Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Myanmar sẽ cần tỷ USD trong năm 2024

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Hợp quốc ngày 18/12 cảnh báo, 1/3 dân số Myanmar, tương đương hơn 18 triệu người, sẽ cần khoảng một tỷ USD viện trợ nhân đạo vào năm tới trước nguy cơ xung đột quân sự leo thang.

Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Dân tộc KNDF Karenni nổi dậy giải cứu dân thường bị mắc kẹt giữa các cuộc không kích trong cuộc giao tranh ở bang Kayah, Myanmar, vào ngày 14/11/2023. Ảnh: Reuters
Một thành viên của Lực lượng Phòng vệ Dân tộc KNDF Karenni nổi dậy giải cứu dân thường bị mắc kẹt giữa các cuộc không kích trong cuộc giao tranh ở bang Kayah, Myanmar, vào ngày 14/11/2023. Ảnh: Reuters

"Myanmar đứng trước bờ vực vào năm 2024, với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc kể từ khi quân đội tiếp quản vào tháng 2/2021" - một báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp quốc (OCHA) được công bố hôm 18/12.

Theo đó, 18,6 triệu người hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo, nhiều hơn con số 1 triệu so với một năm trước, và gấp 19 lần so với năm 2020 - trước cuộc đảo chính. 

"Trẻ em đang là nạn nhân phải gánh chịu cuộc khủng hoảng, với 6 triệu em cần được giúp đỡ do phải di dời, chăm sóc sức khỏe và giáo dục bị gián đoạn, mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng cũng như các rủi ro khác, bao gồm buộc phải tham chiến và suy sụp tinh thần" - Marcoluigi Corsi, điều phối viên nhân đạo tạm thời của Liên Hợp quốc tại Myanmar, cảnh báo. 

Báo cáo của Liên Hợp quốc cũng nhấn mạnh mối quan ngại đặc biệt về tình trạng di tản hàng loạt, khi gần 2,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, tính đến ngày 11/12 - tăng 1,1 triệu người so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Ước tính hơn 660.000 người Myanmar đã phải di dời từ cuối năm nay, trong bối cảnh xung đột leo thang kể từ tháng 10 vừa qua giữa quân đội và các chiến binh dân tộc thiểu số ở phía Bắc đất nước.

"Xung đột và bạo lực dự kiến ​​​​sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024" - báo cáo cho biết, đồng thời chỉ trích "bạo lực quân sự có hệ thống chống lại dân thường" tại Myanmar lúc này.

Từ đó, OCHA đã kêu gọi quyên góp 994 triệu USD để giúp đỡ 5,3 triệu người được xác định là "ưu tiên viện trợ" ở Myanmar vào năm 2024. 

"Chúng ta không thể lặp lại tình trạng thiếu nguồn kinh phí như đã diễn ra vào năm 2023" - ông Corsi nói, cho biết thêm rằng chương trình viện trợ nhân đạo của Liên Hợp quốc chỉ đáp ứng được 29% kinh phí cần thiết trong năm nay, khiến khoảng 1,9 triệu người vốn được ưu tiên viện trợ đã không thể tiếp cận được.