Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2010: Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức 1,1% của năm 2009.

KTĐT - Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức 1,1% của năm 2009, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 5% của hai năm 2006, 2007 và các mức 4,9% và 4,5% của năm 2004, 2005.

Năm 2009, nền kinh tế thế giới đã trải qua một năm vô cùng khó khăn. Trước việc toàn bộ hệ thống tài chính trên thế giới gần như suy sụp, các nhà phân tích nhận định năm 2009 là năm mà lần đầu tiên toàn cầu bị suy thoái trầm trọng kể từ sau cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ XX.

Tuy nhiên, thực tế thì hậu quả của nó cũng không quá nặng nề như người ta đã từng lo ngại, bởi Chính phủ các nước đã can thiệp kịp thời bằng nhiều biện pháp như cắt giảm lãi suất cơ bản, rót thêm các gói cứu trợ vào nền kinh tế, triển khai nhiều chương trình kích thích tiêu dùng khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên khả quan hơn.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các nền kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục những nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2010.

Năm 2010: Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức 1,1% của năm 2009, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 5% của hai năm 2006, 2007 và các mức 4,9% và 4,5% của năm 2004, 2005.

Với sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ sôi động hơn hơn. IMF dự báo thương mại thế giới sẽ tăng 2,5% so với năm 2009 (trong khi năm 2009 giảm 11,9% so với năm 2008).

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng sẽ vẫn còn yếu do thu nhập tăng chậm và thất nghiệp cao. Những sản phẩm tiêu dùng phổ thông và cần thiết hàng ngày sẽ tăng nhanh hơn những sản phẩm cao cấp.

Còn theo dự báo của Liên Hợp Quốc thì năm 2010 nền kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 2,4%, tuy nhiên sự phục hồi này còn rất mong manh. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu chủ yếu là do chính sách kích thích kinh tế được các nước tung ra trong năm 2009.

Trong khi đó, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới trong bản Dự báo và phân tích tình hình thế giới năm 2010 đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2%-3%, nhưng vẫn có khả năng bị suy thoái lần thứ hai.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Merrill Lynch thuộc Bank of America thì tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 có thể đạt cao hơn, vào khoảng 4,4%.

Nhìn chung, các dự báo về nền kinh tế toàn cầu đều cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã được kiểm soát, kéo theo dấu hiệu hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định kinh tế thế giới hoàn toàn thoát khỏi suy thoái và bước vào chu kỳ hồi phục.

Kinh tế châu Mỹ sẽ sáng sủa hơn

Theo Ủy ban Kinh tế phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Liên Hợp Quốc (ECLAC), triển vọng kinh tế của các nước Mỹ Latinh sáng sủa hơn trong năm 2010 với mức tăng trưởng cao nhất là Brazil với 5,5%, tiếp đến là Uruguay 5%, Panama, Chile và Bolivia đều là 4,5%.

Tại Mỹ, tăng trưởng năm 2010 dự kiến chỉ là 2,5%. Động lực cơ bản cho nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn vẫn là chi tiêu tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP, tuy nhiên động lực này tiếp tục yếu trong năm 2010.

Tiêu dùng giảm mạnh vào đầu năm 2010, kéo theo việc giảm tốc độ tăng GDP và sẽ tăng lại vào giữa năm 2010. Nguyên nhân khiến tiêu dùng giảm là do nợ và thất nghiệp vẫn còn cao. Tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng tới khoảng 10,5% trong quý I-2010.

Tình hình của ngành ngân hàng Mỹ, nơi bắt nguồn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã được cải thiện trong năm 2009. Các định chế tài chính của Mỹ như Bank of America, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Citigroup, Wells Fargo... đã bắt đầu làm ăn có lãi trở lại và đang thực hiện việc trả lại các khoản tiền cứu trợ của chính phủ nước này. Tình hình khả quan này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2010.

Về đồng Đôla Mỹ (USD), nhờ triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa hơn đôi chút so với kinh tế Châu Âu và Nhật Bản, nhu cầu về đồng USD sẽ cải thiện. Tuy nhiên, sức ép giảm giá của đồng USD vẫn tiếp tục trong năm 2010 và đà giảm này chắc chắn sâu hơn so với các đồng tiền của những thị trường đang nổi.

Các nhà phân tích cho rằng, đồng USD tiếp tục giảm giá trong những tháng đầu năm 2010, tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng về lâu dài, sẽ khôi phục lại vị trí của mình.

Trong khi đó, dự báo kinh tế của Canada trong năm 2010 rất lạc quan sau giai đoạn suy thoái kéo dài trong năm qua. Dự đoán tăng trưởng GDP của nước này sẽ là 2,6-2,7% năm 2010, so với mức giảm 2,5% năm 2009.

Các chuyên gia nhận định mặc dù triển vọng kinh tế Canda có dấu hiệu cải thiện, song nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro và Chính phủ cần tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng.

Việc chấm dứt các gói kích thích kinh tế quá sớm có thể làm chậm quá trình phục hồi, làm suy giảm lòng tin của giới kinh doanh, đồng thời khiến thị trường việc làm càng thêm căng thẳng.

Châu Âu: Khả năng phục hồi còn yếu

Nhìn chung, các nước phát triển ở Châu Âu đã thoát khỏi suy thoái với việc các lĩnh vực kinh doanh, du lịch đã dần hồi phục.

Tạp chí Kinh tế Pháp L'Expansion cho rằng, Châu Âu sẽ thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng dự kiến 0,9% trong năm 2010. Tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với những diễn biến bất thường, trong đó có nguy cơ khủng hoảng tín dụng. L'Expansion cảnh báo là Châu Âu chỉ đang “trên đà khôi phục sức khỏe chứ chưa hẳn lành bệnh”.

Châu Âu đã trải qua cơn suy thoái sâu nên khả năng phục hồi còn yếu. Anh dự kiến tăng trưởng 0,8% năm 2010. Một số nền kinh tế Tây Âu, như Iceland, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tiếp tục giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Tổng thống Nga Medvedev dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng từ 2,5-5% năm 2010.

Châu Á - động lực đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định Châu Á đang là động lực đưa thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế.

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về tình hình kinh tế-xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh Châu Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế với dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình 6,3% trong năm 2010.

Việc các nước Châu Á tích cực chuyển hướng, chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhằm giảm phụ thuộc xuất khẩu là hướng đi hiệu quả, giúp lấy lại ổn định và tăng trưởng sau khủng hoảng.

Theo dự báo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2010” của Liên Hợp Quốc, năm 2010, các nước đang phát triển ở Châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, đặc biệt là Trung Quốc 8,8%, Ấn Độ 6,5%, tiếp đến là Việt Nam, Lào: 5%, hơn mức 4% của năm 2009. Kế tiếp là Myanmar và Indonesia với hơn 4%.

Những quốc gia còn lại, tăng trưởng từ 3,5% trở xuống, thấp nhất là Nhật Bản với 1,5% và Brunei với 0,5%. Cũng giống như các nước Châu Âu, Nhật Bản đã trải qua suy thoái sâu trong năm 2009 nên khả năng phục hồi trong năm 2010 còn yếu.

Chính phủ Hàn Quốc đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 của nước này là 5%, cao hơn so với mức 4% của dự báo trước đó, do nước này cho rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi trong điều kiện tốt hơn và nhu cầu trong nước cũng phục hồi nhanh. Trong khi đó IMF dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc là 4,5%.

Kinh tế châu Phi: Yếu kém và bất ổn

Báo cáo của IMF đã nêu ra sự yếu kém và bất ổn của nền kinh tế Châu Phi với nguy cơ phải đối mặt với việc giảm viện trợ từ những nước phát triển, bởi chính các quốc gia này cũng là nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính. Do vậy, nghèo đói và thất nghiệp sẽ đe dọa một số nước khu vực Nam Phi, làm cho tình hình xã hội trong vùng càng thêm bất ổn.

Song song với đó, thiên tai trong đó có hạn hán và lũ lụt tại Đông Phi gây ra hệ quả là cuộc khủng hoảng lương thực thường xảy ra sau đó cũng gây nhiều trở ngại cho con đường phục hồi của châu lục này.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, nhiều người vẫn rất lạc quan về khả năng cải thiện của nền kinh tế Châu Phi trong năm 2010. IMF đã dự báo mức tăng trưởng của châu lục này sẽ đạt 4% vào năm 2010.

Bộ trưởng kinh tế Angola Manuel Nunes Fils tuyên bố, lĩnh vực dầu lửa sẽ là thế mạnh của nước này vào năm 2010, và dự báo nền kinh tế của Angola có thể tăng trưởng đến 8,2%.

Báo cáo kinh tế của Kenya công bố tháng 10-2009, sau khi trải qua các cuộc bạo động hậu bầu cử năm 2008, hạn hán và cuộc suy thoái toàn cầu, nền kinh tế nước này đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi, có thể bảo đảm mức tăng trưởng 3,9% năm 2010.

Nam Phi, nền kinh tế lớn nhất Châu Phi có thể tăng trưởng 1,5%.

Khu vực Trung Đông được dự đoán tăng trưởng ở mức 3-4% trong năm 2010./