Năm 2021: Vàng thế giới giảm, trong nước tăng
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng 31/12/2021, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 60,95- 61,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế ở mức 1.818,9 USD/ounce.
Với giá bán này, giá vàng trong nước tăng 5,2 triệu đồng/lượng, tương đương tăng trưởng 9,4% so với thời điểm đầu năm. Khoảng cách chênh lệch giá mua vào- bán ra của vàng SJC ngày cuối năm vẫn được giữ ở mức 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới so với 1 năm trước đã giảm 80 USD/ounce. Trong năm 2021, giá vàng thế giới giảm khoảng 7% sau khi tăng khoảng 27% trong năm 2020. Trong khi giá vàng SJC trong nước trong khi đó trái chiều tăng khoảng 9,4% trong năm 2021.
Giá vàng trong nước năm 2021 đã có nhiều đợt “sóng” lớn, đáng chú ý nhất là đợt sóng lớn gần đây khi giá vàng tăng mạnh vượt 62 triệu đồng, nhưng sau đó nhanh chóng giảm sâu.
Đáng chú ý nhất là khỏang cách chênh lệch giữa giá mỗi lượng vàng miếng trong nước với thế giới ngày càng xa. Với mức chênh khoảng 11-12 triệu đồng/lượng, xấp xỉ 20% sau khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng là chưa từng có. Trước đó, ở thời điểm năm 2020, giá vàng trong nước so với thế giới cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Với mức chênh khoảng 11- 12 triệu đồng/lượng như hiện nay, người Việt Nam đang phải mua giá vàng cao hơn giá thế giới tới khoảng 20%. Người mua vàng trong nước thiệt thòi và nhiều người mua đầu tư có thể thua lỗ.
Giá vàng trong nước trong năm 2021 có tốc độ tăng mạnh hơn rất nhiều so với vàng thế giới, nguyên nhân chính do tâm lý lo ngại lạm phát và được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế. Nhà nước không cho nhập khẩu vàng. Thị trường vàng trong nước không có nhiều liên thông với thị trường vàng thế giới.
Vàng sẽ tăng trước làn sóng Covid-19 mới?
Mặc dù trầm lắng trong năm 2021 nhưng vàng vẫn được đánh giá là một mặt hàng hấp dẫn trong năm 2022 trước bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ còn gia tăng. Với làn sóng biến thể Covid-19 mới và các chính sách tiền tệ cũng như Fed bắt đầu tăng lãi suất, vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị mới.
Giá vàng thế giới sáng ngày 2/1 vẫn neo ở mức 1.830,8 USD/ounce. Ngày 1/1/2022, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com ở mức 1.829,8 USD/ounce, tăng 15,3 USD/ounce. Vàng trong nước tăng hơn 200.000 đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới xấp xỉ 11 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng mạnh phiên giao dịch đầu năm mới trong bối cảnh nhu cầu vàng vật chất tăng cao và nền kinh tế Mỹ đón nhận nhiều thông tin tích cực. Bộ Lao động Mỹ ngày 30/12 công bố các số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp hiện là 4,2%, mức thấp nhất trong 21 tháng qua, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tiếp tục giảm trong tuần kết thúc vào ngày 25/12/2021. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức cao nhất trong một tháng, qua đó giúp giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Theo cuộc khảo sát triển vọng hàng năm của Kitco News, phần lớn các nhà đầu tư trên Phố Main dự đoán giá vàng sẽ lên mức cao kỷ lục mới vào năm 2022. Năm nay, gần 3.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thường niên của Kitco. Trong số 1.605 người đó, 54% cho biết họ kỳ vọng giá vàng đạt trên 2.000 USD. Trong khi đó, 592 người, tương đương 20%, dự kiến vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.900 - 2.000 USD.
Sean Lusk, đồng Giám đốc của Walsh Trading nhận định: "Xu hướng tăng khả năng cao vẫn tiếp diễn vào năm sau. Có vẻ như biến thể Covid-19 mới sẽ khiến Fed cân nhắc lại việc điều chỉnh tăng lãi suất. Ngoài ra, rủi ro địa chính trị hoặc sự biến động trong giá dầu thô có thể tác động đến nhận thức của thị trường".
“Nhìn từ góc độ mùa vụ, nhu cầu đối với vàng vật chất có thể coi như yếu tố hỗ trợ quan trọng đẩy giá vàng tăng lên trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12 cho đến Valentine hàng năm. Trong từ 6-8 tuần tới, giá vàng và bạc có thể tăng. Khi mà biến chủng mới trở nên phổ biến hơn, chính sách tiền tệ dễ dãi sẽ vẫn tiếp tục. Rõ ràng Fed đã phát đi thông điệp sẽ bắt đầu nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu và nhiều yếu tố căng thẳng địa chính trị mới nhất”- Lusk nhấn mạnh.
Ông nhận định nếu vàng lên mức 1.850 USD/ounce thì mục tiêu tiếp theo sẽ lên khoảng 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên sẽ phải thử thách thức mốc 1.880USD/ounce lần gần nhất được thiết lập vào giữa tháng 11/2021. Các chuyên gia phân tích đang tính toán xem liệu động lực tăng giá của vàng có đủ để vàng tăng vượt mức 1.850USD một ounce.
Tại thị trường vàng trong nước cũng sẽ duy trì nhiệt khi đây là mùa cưới hỏi và nhu cầu có thể tăng lên do nhiều người dân quan niệm mua vàng lấy hên đầu năm. Theo dự báo của một số tiệm vàng, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng nhất là dịp Thần tài và Valentine. Những năm gần đây, ngày Thần tài gần như là dịp sôi động nhất trong năm của thị trường vàng, do vậy các công ty vàng thường neo giá vàng ở mức cao và giá chỉ hạ nhiệt sau ngày này, khi nhu cầu mua vàng giảm trở lại.