Theo số liệu thống kê của VEC, trong năm 2022, tổng lưu lượng xe lưu thông trên 4 tuyến cao tốc gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ước đạt 53,2 triệu lượt, tăng 41,1% so với năm 2021.
Tổng doanh thu thu phí ước đạt 4.442,7 tỷ đồng, tăng 36,1% so với năm 2021 (đã bao gồm VAT). Tổng doanh thu năm 2022 của VEC là 5.360 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 5.015 tỷ đồng, hoàn thành 123,6% kế hoạch.
Cũng trong năm 2022, VEC đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền); phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai).
Hiện VEC đang hoàn thiện để trình lại Đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu theo hướng xây dựng VEC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và khai thác đường bộ cao tốc quốc gia.
Trong năm 2023, được giao thực hiện trách nhiệm hoàn thành các hạng mục còn lại, xử lý dứt điểm tồn tại, tranh chấp tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nghiên cứu mở rộng các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn Yên Bái - Lào Cai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Bên cạnh đó, VEC đặt mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành đưa đoạn tuyến Km0+000-Km21+000 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác, vận hành và vận hành toàn tuyến vào năm 2025.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho VEC tập trung nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế liên quan đến xác định tính chất tài sản, tăng vốn điều lệ; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và ủy ban, ý kiến góp ý của các bộ, ngành về việc báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị chấp thuận Đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC, làm cơ sở để VEC tiếp tục phát triển, có hành lang pháp lý đầy đủ và ổn định.