Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang EU đối mặt nhiều khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những thay đổi theo hướng khắt khe trong chính sách ngoại thương của EU đang gây khó cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Vì vậy, việc hỗ trợ DN tận dụng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu (EVFTA) cần được ưu tiên hàng đầu.

Yêu cầu cao về môi trường, sản xuất xanh  

Năm 2023, kinh tế EU được dự báo chỉ tăng trưởng 0,5% so với 2% của năm 2022, lạm phát vẫn ở mức cao khoảng 7% ở EU và 6,1% ở khu vực đồng euro. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, đồng nghĩa gây khó cho các quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU, trong đó có Việt Nam.

Quả thanh long Việt Nam phải đáp ứng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Ảnh minh họa
Quả thanh long Việt Nam phải đáp ứng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Ảnh minh họa

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho hay, ngay trong tháng 1/2023, EU đã thông báo lịch trình cho Kế hoạch đưa ra quy định về trách nhiệm đến hạn. Trong đó, yêu cầu tất cả các đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn vào vấn đề môi trường, lao động. EU cũng dự kiến đưa ra chính sách về chống phá rừng, cân bằng chuyển đổi cacbon… quy định này liên quan trực tiếp tới nhiều mặt hàng như: Cà phê, đồ gỗ nội thất, sắt thép, phân bón, hoá chất.

Bên cạnh đó, chính sách Greendeance (tăng trưởng xanh) đang được EU đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm, tập trung vào giảm phát thải từ các ngành hàng liên quan đến thời trang như: Dệt may, da giày, linh kiện điện tử.

Đồng thời, EU cũng đẩy mạnh kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại và chống lợi dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) của EU. Những động thái này sẽ tạo khó khăn cho các nước tiếp cận thị trường EU, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng công báo sửa đổi quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Cụ thể, đối với Việt Nam, ớt tiếp tục nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%. Đậu bắp với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%. Thanh long và mỳ tôm với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, định kỳ 6 tháng 1 lần Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu họp để xem xét đánh giá mức độ vi phạm về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của các quốc gia xuất khẩu vào EU. Sau đó EU sẽ thông báo những thay đổi trong quy định về các biện pháp kiểm soát. Do đó, DN Việt Nam xuất khẩu sang EU nên kiểm soát sản phẩm không để vi phạm, bởi chỉ một vài DN vi phạm sẽ ảnh hưởng đến cả ngành hàng.

Tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Mặc dù xuất khẩu sang thị trường EU được dự báo gặp nhiều thách thức mới trong năm 2023, tuy nhiên EVFTA bước sang năm thứ 3 có hiệu lực được xác định là “cứu cánh” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

 

Bộ Công Thương dự báo, năm 2023 ước tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam - EU tăng khoảng 24%, đạt 80,1 tỷ USD. Con số tuy cao nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022 với 31%.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh phân tích, theo lộ trình đã cam kết, năm 2023 nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế 0%. Mặt khác, Việt Nam là một trong 4 nước có hiệp định thương mại với EU ở khu vực châu Á. Chính sách thương mại của EU đang tập trung vào các quốc gia này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường nội địa. Đây là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang EU.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, khi thuế giảm bao nhiêu, chi phí tiếp cận thị trường lại tăng bấy nhiêu nên cơ hội dù rộng mở nhưng cánh cửa thị trường EU không dễ dàng. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương cần nghiên cứu có đối sách hợp lý; phía DN, hiệp hội ngành hàng cần có chiến lược sản xuất, sản phẩm, kinh doanh cho phù hợp để vượt qua rào cản, tiếp cận lợi ích mang lại từ EVFTA.

Băn khoăn về vấn đề chi phí vận tải hàng không từ Việt Nam sang EU cao là thiệt thòi cho DN xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, ông Trần Ngọc Quân đề nghị, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nên có biện pháp hỗ trợ thiết thực.

Cùng với đó, các DN Việt cần tham gia tích cực hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp; đồng thời đẩy mạnh sản xuất xanh và phát triển bền vững để bắt nhịp chính sách thương mại của EU.

Nhằm hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin, trong năm 2023, Bộ sẽ triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, TP thông qua chỉ số FTA INDEX.

Song song đó, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng những video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với DN, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho CEO, chủ DN.

Ngoài ra, ngành công thương tiếp tục triển khai tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, tạo thuận lợi cho DN tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

 

Bộ Công Thương làm việc với cơ quan hải quan có giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục trong trường hợp hàng bị thu hồi và tái xuất về Việt Nam để DN sớm hoàn tiền cho đối tác; tránh ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của DN và hàng hoá của Việt Nam.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân