Năm 2024, tìm cách hút vốn FDI chất lượng cao

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước, tuy nhiên, hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong tổng vốn đăng ký trên thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với năm 2022. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.

Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm trước. Mức giải ngân vốn FDI cũng đạt con số cao kỷ lục, khoảng 23,18 tỷ USD và tăng 3,5% so với năm 2022.

Ngoài những con số ấn tượng, chất lượng thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng gia tăng. Việt Nam đang ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, chăm sóc dự án FDI một cách bài bản, toàn diện. Đó là việc nhiều địa phương đã xác định rõ định hướng và tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Quy hoạch, hạ tầng, mặt bằng, cải cách hành chính… đang tạo các điều kiện để hấp dẫn nhà đầu tư.

Về hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các DN bán dẫn. Cùng đó, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường...

Mặt khác, sự chuyển hướng đầu tư của khu vực FDI vào các lĩnh vực bền vững là điều rất đáng mừng. Trước đây, vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ hai (sau chế biến, chế tạo) về tổng vốn đăng ký cấp mới, thì vài năm gần đây, đã nhường chỗ cho lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa.

Năm 2023, số lượng dự án FDI cấp mới và tổng vốn rót vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt kỷ lục (hơn 1.000 dự án và trên 21,5 tỷ USD); vốn rót vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa cũng rất cao, đạt hơn 2,37 tỷ USD…

Dù có nhiều điểm sáng, tuy nhiên, thu hút vốn FDI năm 2024 vẫn đứng trước khá nhiều thách thức. Theo đó, thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế so sánh về thuế suất hấp dẫn của Việt Nam không còn nữa.

Vì vậy, để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, cần phát huy các lợi thế của Việt Nam. Đó là nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, chịu khó, sáng tạo; là nguồn tài nguyên khá lớn phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao; là việc Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; chính trị, an ninh ổn định.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; giảm chi phí đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN Việt Nam liên kết sâu hơn, rộng hơn với DN FDI... cũng rất cần được quan tâm.

Chỉ có như vậy, Việt Nam mới duy trì được dòng vốn FDI, đặc biệt là thu hút tập đoàn đa quốc gia, DN công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ tập trung thu hút những ngành thâm dụng lao động phổ thông, gia công sản xuất, giá trị gia tăng thấp.