Đặc biệt, nhiều giải pháp hay đã được triển khai thực hiện giúp giảm UTGT rõ nét như xây dựng và đưa vào sử dụng 5 cầu vượt kết cấu thép tại 5 nút giao; một số đoạn, tuyến đường mới được đưa vào khai thác... Đây là nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khi đánh giá về Năm ATGT 2012.
TNGT giảm cả 3 tiêu chí
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành của thành phố đã đồng loạt ra quân triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Năm ATGT 2012. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai đồng thời như đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; tổ chức phân làn phương tiện trên một số tuyến phố; xây dựng và đưa vào sử dụng 5 cầu vượt nhẹ kết cấu thép; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông; tập trung xóa bỏ các điểm đen về ùn tắc và TNGT… Bằng những giải pháp quyết liệt và hiệu quả nêu trên, năm 2012, TNGT tiếp tục được kiềm chế và giảm trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn thành phố đã xảy ra 777 vụ TNGT đường bộ - đường sắt, làm 619 người chết, 397 người bị thương (So với năm 2011, giảm 250 vụ = 24,3%, giảm 130 người chết = 17,4%, giảm 46 người bị thương = 10,4%). Xảy ra 998 vụ va chạm giao thông, làm 1.009 người bị thương (so với năm 2011 giảm 240 vụ = 20,4%, giảm 240 người bị thương = 20,3%).Về UTGT, năm 2010, toàn thành phố có 124 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, sau 2 năm tập trung triển khai đã giải quyết 57/124 điểm ùn tắc, đến nay chỉ còn 67 điểm, bình quân đã giải quyết trên 20% năm. Đặc biệt đã giải quyết 6/6 "điểm đen" về TNGT có liên quan tới hạ tầng như: Nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Km 156 QL1B (Cầu Phù Đổng - Gia Lâm); Km 212 QL1B (xã Đại Xuyên - huyện Phú Xuyên); Km 192 QL1B (huyện Thường Tín); Km 193 QL1A (huyện Thường Tín), Đại Lộ Thăng Long (khi vực xã Mễ Trì - Phú Đô).
TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong ảnh: Ngày 29/12/2012, Cầu vượt Nam Hồng đã được đưa vào sử dụng. Ảnh: Hùng Huy
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Để bảo đảm ùn tắc và TNGT giảm một cách bền vững, trong năm 2013 cũng như các năm tiếp theo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã và đang đem lại hiệu quả cho giao thông Hà Nội trong năm 2012. Bên cạnh đó, Hà Nội cần quan tâm đến việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt, đầu tư nâng cấp, bổ sung thêm các tuyến buýt mới... từ đó hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân. Từng bước chuyển các cơ quan Nhà nước, các nhà máy ra khu vực ngoại thành để giảm áp lực giao thông. Cùng với đó, các cấp, ngành của TP tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đi đôi với kiên quyết xử lý vi phạm, kể cả xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, công an các cấp nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn.Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đưa ra mục tiêu và yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các ban ngành tiếp tục giảm 30% số điểm UTGT, giảm 20% về TNGT trên cả ba tiêu chí. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, ngành của thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đến từng hộ gia đình, cụm dân cư… Đồng thời, các lực lượng tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện bằng được các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2013, Hà Nội sẽ có thêm nhiều dự án giao thông trọng điểm được xây dựng để dần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự ATGT. Theo ông Hùng, trong năm 2012, nhiều công trình hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như đường 32 đoạn Diễn - Nhổn, đường La Thành - Thái Hà - Láng; cầu vượt Văn Cao - Hồ Tây… Tất cả các dự án này đã và đang góp phần giảm tai nạn và UTGT, nâng cao năng lực lưu thông phương tiện.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, bên cạnh những mặt tích cực đã làm được, vẫn còn những tồn tại cần sớm tháo gỡ, như kết cấu hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với tốc độ đô thị hóa, hầu hết các công trình giao thông trọng điểm đều chậm tiến độ, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí GPMB quá lớn; cơ chế bồi thường, hỗ trợ còn nhiều bất cập, năng lực của nhiều đơn vị thi công còn yếu…
Nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ các dự án, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm 2013, sẽ khởi công cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, nút Deawoo. Hoàn thành dứt điểm trong quý I/2013 một số tuyến đường như đường 32, đường 16… Cũng trong quý I/2013 sẽ hoàn thiện thủ tục và khởi công 16 công trình như đường Trần Phú - Kim Mã, cầu Mọc, cầu 361… Đầu tư các cầu thép vượt sông Tô Lịch, Lừ tại các vị trí khu vực đường Kim Giang giao với đường Hoàng Đạo Thành; khu vực cây xăng Thịnh Liệt nối với khu đô thị Linh Đàm, cầu Đào Tấn… Đồng thời tổ chức ra quân giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Thủ đô, nhất là một số tuyến phố trung tâm, trục đường chính như Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 21B… kết hợp với lực lượng liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự giao thông, trật tự đô thị.
Trong năm 2012, đã có 250.506 phương tiện đăng ký mới (so với năm 2011, giảm 35%), gồm 19.567 ô tô, 230.939 mô tô, trung bình mỗi tháng, các đơn vị Công an TP đăng ký mới cho 20.876 phương tiện (gồm 1.631 ô tô, 19.245 mô tô). Như vậy, với tổng số ô tô, mô tô đăng ký mới trong năm 2012 đã nâng số ô tô, mô tô do Công an TP quản lý lên 4.917.074 phương tiện, trong đó có 450.101 ô tô và 4.466.973 mô tô. Để đáp ứng nhu cầu đỗ xe không ngừng tăng của người dân Hà Nội, trong năm 2013, Sở GTVT sẽ triển khai thí điểm 2 bãi đỗ xe kết cấu thép tại phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan. Đồng thời, chuẩn bị khởi công 11 bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hóa, gồm: Cầu Chui, Kim Chung, Đồng Bông, Đầm Trấu, Cổ Nhuế, Đống Sơn, Kim Giang... |