Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nam Định đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo đà bứt phá hạ tầng

Kinhtedothi - Năm 2025, Nam Định tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó GPMB được xác định là khâu mang tính quyết định đến tiến độ và hiệu quả của toàn bộ quá trình. Tỉnh xác định nhiệm vụ này cần thực hiện với tinh thần "quyết liệt - đồng bộ - hiệu quả", tạo bệ phóng vững chắc cho thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống.

Tinh thần “không chờ - không chậm”

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã đưa ra nhiều chỉ đạo mang tính “mở đường”, yêu cầu tất cả các địa phương và sở, ngành vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Các dự án có tính động lực được ưu tiên xử lý vướng mắc tại chỗ, không chờ chỉ đạo, không đùn đẩy trách nhiệm.

Tỉnh cũng đổi mới phương thức thực hiện: phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, gắn từng tuyến, từng vị trí dự án với cá nhân phụ trách. Các “nút thắt” thường gặp như xác định nguồn gốc đất, định giá, bồi thường đều được các cơ quan chuyên môn phối hợp rà soát, đối chiếu với quy định hiện hành, tham vấn kịp thời các bộ ngành trung ương để tháo gỡ.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chủ động đối thoại với người dân, công khai thông tin dự án, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cách làm này giúp giảm đáng kể thời gian vận động, nâng cao tính đồng thuận, rút ngắn thời gian thực hiện.

Một trong những công trình trọng điểm đang được Nam Định tập trung cao độ là tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (CT08). Dự án có tổng chiều dài 60,9 km, trong đó đoạn qua Nam Định dài 27,6 km, đi qua bốn huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường. Tổng mức đầu tư khoảng 19.800 tỷ đồng.

Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định xây dựng trên khu đất 9,25ha, thuộc khu đô thị Mỹ Trung, phường Lộc Hạ, TP Nam Định.

Ngay sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc đồng bộ. Toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được huy động, thể hiện tinh thần “chạy đua với thời gian”. Kết quả, đến nay, tỉnh đã hoàn thành di chuyển hơn 2.500 ngôi mộ, phê duyệt phương án đền bù đất nông nghiệp cho hơn 3.700 hộ dân, tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng, trong đó đã chi trả khoảng 180 tỷ.

Đặc biệt, hai huyện Nghĩa Hưng và Nam Trực đã hoàn thành sớm GPMB đất nông nghiệp, trở thành điểm sáng để các huyện còn lại học tập. Công tác kiểm đếm đất ở và bố trí tái định cư cũng đang được triển khai đồng bộ cho hơn 500 hộ dân. Tỉnh đặt mục tiêu bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong tháng 4/2025 và hoàn tất GPMB đất ở trước tháng 9/2025.

Đồng loạt thúc đẩy các công trình lớn

Bên cạnh CT08, hàng loạt dự án hạ tầng khác cũng đang được đẩy mạnh thi công. Trong đó, tuyến đường trục phát triển vùng kinh tế biển (tỉnh lộ 490) giai đoạn II hiện đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như hệ thống an toàn giao thông, công trình phụ trợ.

Dự án tuyến đường bộ Nam Định - Lạc Quần - đường ven biển (tỉnh lộ 484), cầu Lạc Quần đã hợp long, đảm bảo tiến độ. Dự án cầu sông Đào nối đường Vũ Hữu Lợi đến quốc lộ 21B cũng đang tăng tốc. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đẩy nhanh thi công các khối nhà số 2 đến số 6, hoàn thiện thủ tục kiểm tra, nghiệm thu nhà số 1 theo quy định.

Song song, tỉnh tích cực lập báo cáo tiền khả thi cho dự án cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1, nối TP Phủ Lý với TP Nam Định. Nhiều công trình quy hoạch mới như tuyến đường trục cảnh quan Nam Định - Hoa Lư, cầu sông Đào nối đường Trần Nhật Duật với đường Lạc Long Quân cũng đang được nghiên cứu đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.

Những kết quả đạt được trong công tác GPMB và triển khai dự án không chỉ là minh chứng cho năng lực điều hành và tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị tỉnh, mà còn cho thấy tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển lấy người dân làm trung tâm.

Cơ sở hạ tầng hiện đại giúp mở rộng không gian phát triển, nâng cấp dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng và tạo ra các cơ hội sinh kế bền vững. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các tuyến đường, bệnh viện, khu công nghiệp mới – những yếu tố tạo nên nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Với quyết tâm không để thời cơ phát triển bị bỏ lỡ, Nam Định đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực đồng bằng sông Hồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của cả nước.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cần tháo gỡ bất cập đối với một số trường hợp cụ thể

Cần tháo gỡ bất cập đối với một số trường hợp cụ thể

20 Apr, 09:12 AM

Kinhtedothi - Một trong những mục đích chính của quy định về diện tích đất được tách thửa trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 7/10/2024, là để giãn dân nội đô và góp phần hạn chế tình trạng phân lô, bán nền tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường nhà đất. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, cần có giải pháp để khắc phục.

Ngăn chặn làn sóng xe cá nhân

Ngăn chặn làn sóng xe cá nhân

20 Apr, 05:48 AM

Kinhtedothi - Gần 10 triệu phương tiện đang tạo nên áp lực khủng khiếp cho giao thông Hà Nội hằng ngày, khiến TP tốn kém hàng tỷ đô la mỗi năm, gây rất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội. Muốn giảm ùn tắc giao thông (UTGT), một trong những giải pháp căn cơ nhất hiện nay là phải quyết tâm giảm số lượng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ