Theo đó, Bộ TN&MT phê duyệt kết quả báo cáo ĐGTĐMT của dự án với các nội dung chính: xác định hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị của dự án; quá trình vận hành xưởng luyện, các dây chuyền cán thép, kho chứa nguyên vật liệu, sản xuất sản phẩm và hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường; dự án sẽ phát sinh các loại chất thải gồm bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và phát sinh tiếng ồn, độ rung tác động tới môi trường tại khu vực thực hiện dự án. Xác định nguồn phát sinh và quy mô, tính chất của từng loại chất thải phát sinh từ dự án.
Bộ TN&MT cũng nêu chi tiết các công trình và biện pháp BVMT mà chủ đầu tư (Công ty CP Xuân Thiện Nghĩa Hưng) có trách nhiệm thực hiện trong các giai đoạn xây dựng, vận hành dự án theo quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
Bộ TN&MT yêu cầu chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các thông tin trong nội dung báo cáo ĐGTĐMT, chỉ được triển khai xây dựng dự án khi đã hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đảm bảo kinh phí để thực hiện các công trình, biện pháp BVMT và chương trình quan trắc, giám sát môi trường. Trong đó, phải sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn các nước G7/châu Âu (EU); công nghệ xử lý môi trường phải đảm bảo tiên tiến, hiện đại theo đúng cam kết trong báo cáo ĐGTĐMT.
Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành có liên quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, xây dựng và vận hành dự án.
Thực hiện các tiêu chí về môi trường trong sản xuất thép, hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái theo đúng cam kết trong báo cáo ĐGTĐMT, đảm bảo khoảng cách ly an toàn từ dự án đến khu dân cư theo đúng quy định của QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Chủ động đề xuất điều chỉnh các công trình BVMT trong trường hợp các công trình này không đảm bảo công tác BVMT khi dự án đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với dự án theo lộ trình và nghiên cứu thực hiện trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường được quy định tại Điều 53 và Điều 130 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình hoạt động nếu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Được biết, dự án “Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng” do công ty CP Xuân Thiện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư với kế hoạch xây dựng một khu liên hợp thép có công suất 9.500.000 tấn sản phẩm thép/năm theo ba giai đoạn tại Nam Điền (Nghĩa Hưng, Nam Định).
Với mục đích đáp ứng tích cực mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải do Chính phủ đề ra, quy trình luyện thép được lựa chọn với lò điện hồ quang EAF, công nghệ đúc liên tục và cán liên tục để giảm thiểu phát thải CO2 từ nhà máy.
Dự án tổng thể được lên kế hoạch xây dựng trong ba giai đoạn, giai đoạn I, dự kiến sẽ có 2x100 tấn lò điện hồ quang EAF để luyện thép với 100% sử dụng phế liệu làm nguyên liệu đầu vào, máy đúc liên tục và cán liên tục để sản xuất thép thanh và thép dây với sản lượng thép thanh 1.000.000 tấn và thép thanh, dây tốc độ cao 1.000.000 tấn (sản phẩm dài).
Đối với giai đoạn II, với cụm 2x280t lò điện hồ quang EAF, sẽ sử dụng một phần phế liệu làm nguyên liệu ban đầu kết hợp với một lò trục với công suất 2.500.000 tấn sắt xốp/lò đốt khí (NG) được thiết kế để sản xuất DRI, tất cả đều được sử dụng cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho lò EAF với quá trình đúc, cán liên tục tấm mỏng để sử dụng cho dây chuyền cán cán thép đạt sản lượng hàng năm 5.100.000 tấn tấm cuộn cán nóng (HRC).
Giai đoạn III, một lò điện hồ quang công suất 280 tấn/mẻ EAF được xây dựng cùng với một lò trục thứ 2 dựa trên khí (NG) 2.500.000 tấn/năm được xây dựng để sản xuất DRI và đúc liên tục tấm mỏng và quy trình cán liên tục được sử dụng để cán thép để đạt sản lượng 2.400.000 tấn tấm cuộn cán nóng (HRC) hàng năm.
Sau khi hoàn thành xây dựng đối với cả ba giai đoạn, khu liên hợp thép sẽ có công suất sản xuất hàng năm là 9.500.000 tấn sản phẩm thép.
Dự án “Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng” đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 9/10/2021 và Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 566/QĐ-UBND ngày 22/3/2022.