Duyên kỳ ngộ
Họa sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, quê gốc ở Vĩnh Yên, được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội; cha là nhà nho Nguyễn Văn Khang (1871 - 1894) - Thư ký phủ Thống sứ Bắc kỳ; mẹ là bà Nguyễn Thị Lân (1870 - 1951). Nguyễn Vạn Thọ mồ côi cha khi lên bốn.
Từ nhỏ, ông đã được học chữ Hán và học vẽ với các nhà nho Phạm Như Bình và Nguyễn Sỹ Đức. Năm lên 10 tuổi, ông bắt đầu học chữ Quốc ngữ. Tốt nghiệp trường Bưởi, Nam Sơn vào làm việc tại Sở Tài chính Đông Dương. Trong thời gian này ông vẫn tự học vẽ và vẽ minh họa cho Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí; được Nha Học Chính mời chuyên trách việc trình bày các sách giáo khoa.
Vào khoảng những năm 1920 - 1921, Nam Sơn tham gia trang trí cho Hội quán Sinh viên An Nam do Paul Monet thành lập. Cảm tình với người họa sĩ trẻ Nam Sơn, Paul Monet đã nhờ Chủ tịch Danh dự của Hội quán là Louis Marty giới thiệu Nam Sơn với Victor Tardieu, một họa sĩ người Pháp, đã từng 7 lần đoạt giải thưởng hội họa trong đó có Giải thưởng quốc gia Pháp, lúc này đang ở Hà Nội. Tại đây, Nam Sơn và Victor Tardieu đã gặp nhau và trở thành đôi bạn vong niên tri kỷ.
Victor Tardieu hết lòng giúp đỡ Nam Sơn trong hội họa, là người đã đưa Nam Sơn đến với nghệ thuật hội họa hàn lâm cổ điển châu Âu. Ông chỉ dẫn Nam Sơn phương pháp, học thuật vẽ tranh sơn dầu.
Nhờ đó, vào năm 1923, Nam Sơn đã vẽ những tác phẩm sơn dầu theo trường phái tân cổ điển như: “Chân dung nhà nho Nguyễn Sỹ Đức”, “Tĩnh vật” và “Cô gái Việt Nam”, được trưng bày tại nhà Đấu Xảo, được báo chí và dư luận đương thời ca tụng.
Ngược lại, Nam Sơn giúp Victor Tardieu tìm hiểu về văn hóa, mỹ thuật truyền thống Việt Nam và thực hiện tác phẩm lớn ở giảng đường Đại học Đông Dương (La France Apportant à sa Colonie les Bienfaits de la Civilisation/Nước Pháp mang cho Thuộc địa các lợi ích của nền Văn minh).
Victor Tardieu (1870 - 1937) hơn Nam Sơn 20 tuổi, thuộc về hai nền văn hóa khác nhau nhưng họ đã vượt qua tất cả trở ngại, kể cả tâm lý là người dân của nước cai trị và nước bị cai trị, để trở thành bạn, đồng nghiệp và cộng sự tốt của nhau. Duyên kỳ ngộ này như là định mệnh cho sự ra đời của nền mỹ thuật, kiến trúc hiện đại của Việt Nam.
Phác thảo tương lai cho nền mỹ thuật mới
Cùng mối quan tâm về hội họa, ở hai người đã hình thành ý tưởng về một ngôi trường dạy vẽ cho người Việt Nam. Năm 1923, Nam Sơn đã có một văn bản có tiêu đề là “Mỹ thuật Việt Nam”. Đây có thể xem là đề cương xây dựng Trường Mỹ thuật
Việt Nam, từ mục đích, đến cơ cấu, chương trình và nội dung giảng dạy của nhà trường. Nam Sơn xác định: “Lập nên một trường đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông phương có cá tính
Việt Nam” . Ông đề xuất Trường Mỹ thuật Việt Nam sẽ gồm 7 ban: ban Hội họa; Ban Kiến trúc; Ban Điêu khắc; Ban Sơn Việt Nam (sơn mài); Ban Trang hoàng; Ban Khắc; Ban bồi tranh lụa, tranh giấy. Ông cũng đưa ra chương trình giảng dạy 5 năm khá cụ thể cho từng năm một.
Để việc đào tạo có chất lượng cao, thiết thực, phát triển nền mỹ thuật có “cá tính Việt Nam”, ông chủ trương trong trường mỹ thuật sẽ thành lập bảo tàng mỹ thuật, thư viện, xây dựng từ điển mỹ thuật.
Trên cơ sở đề cương của Nam Sơn, Victor Tardieu đã đề nghị chính quyền thuộc địa thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 27/10/1924, Toàn quyền Martial Merlin ký Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (L`Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine) tại Hà Nội do Victor Tardieu làm hiệu trưởng, và ấn định khai giảng vào ngày 1/10/1925.
Về sự kiện này, sách “Paris - Hà Nội - Sài Gòn - Cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam” do Bảo tàng Paris xuất bản tháng 5/1998, có đoạn: “Chính thức thành lập do một Nghị định thư của Toàn quyền Merlin, trường này (Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai con người (V. Tardieu và Nam Sơn)… Nam Sơn thuyết phục V.Tardieu tiến hành những vận động cần thiết để có thể khai giảng và điều hành nhà trường… những bước đầu tiên đầy khó khăn, nhưng đã thành công, như ta đã biết”.
Người thầy mẫu mực
Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập, Nam Sơn được bổ nhiệm là "cộng sự của Victor Tardieu". Sau đó Tardieu và Nam Sơn được Chính phủ Bảo hộ cử sang Pháp để tìm giảng viên và mua sắm trang thiết bị cần thiết cho trường.
Đầu năm 1925, Nam Sơn đến Paris, ăn nghỉ tại tư gia của Victor Tardieu. Ở đây, buổi sáng Nam Sơn học tại Trường Mỹ thuật Quốc gia trong xưởng họa của họa sĩ Jean-Pierre Laurens, buổi chiều học tại Trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia trong xưởng họa sĩ Félix Aubert, buổi tối học hình họa cùng giáo sư Séguin và Maire.
Chủ nhật, Nam Sơn đọc tài liệu ở thư phòng của Victor Tardieu và thăm viếng các bảo tàng cùng danh lam thắng cảnh của Paris…
Với sự giúp đỡ của Victor Tardieu, chuyến công tác này đã trở thành chuyến tu nghiệp rất giá trị để Nam Sơn tiếp thu những kỹ năng, nghệ thuật của hội họa châu Âu ngay tại Paris bởi các giáo sư, nghệ sĩ bậc thầy.
Hoàn thành công việc ở Paris, Tardieu bị ốm phải ở lại, Nam Sơn cùng với Joseph Inguimberty trở về Việt Nam trước để kịp tuyển sinh và khai giảng khóa đầu. Ông là chủ khảo khóa đầu, tuyển được 10 người, 2 người học học kiến trúc, 8 người học hội họa.
Tại trường, Nam Sơn trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn Đồ họa và Trang trí. Ông giảng dạy tại đây liên tục trong 20 năm (1925 - 1945), từ khóa đầu đến khóa cuối, tất cả 18 khóa; góp phần đào tạo hơn 150 họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư nổi tiếng của nền hội họa và kiến trúc đương đại Việt Nam. Ông là người có tên trong sách “Souverains et notabilités d'Indochine” (Vua chúa và danh nhân Đông Dương) xuất bản năm 1943.
Từ tháng 3/1945 đến cuối năm 1945, Nam Sơn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được giao trọng trách là quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác nhận vị trí là Giáo sư Thượng hạng - hạng nhất (Quyết định ngày 1/12/1945). Đến năm 1946, ông được Bộ Quốc gia Giáo dục mời vào Hội đồng cố vấn Học viện Đông phương bác cổ.
Năm 1952, chính quyền Bảo Đại mời Nam Sơn đứng ra tái lập Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông đã từ chối.
Năm 1957, ông là Hội viên sáng lập và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa đầu tiên cho đến lúc qua đời (1973).
Những tác phẩm sống mãi
Họa sĩ Nam Sơn có sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ, khoảng trên 400 tác phẩm với nội dung và hình thức phong phú, bằng nhiều chất liệu: sơn dầu, lụa, thuốc nước, mực nho, khắc gỗ, phấn tiên (pastel), chì son (sanguine).
Các tác phẩm của Nam Sơn đã sớm gây tiếng vang trong nhiều cuộc triển lãm tại Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản… vào thập niên 30, 40 thế kỷ trước.
Ông đã giành Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội các nghệ sĩ Pháp năm 1932 với bức sơn dầu "Chân dung mẹ tôi", Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 với tranh khắc gỗ "Cò trắng cá vàng". Bức tranh mực nho "Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng" (mực nho trên toile) của Nam Sơn là bức tranh Việt Nam đầu tiên đã được Chính phủ Pháp mua vào năm 1930.
Trong số các tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng của ông còn có: “Chân dung Nhà Nho xứ Bắc” (sơn dầu, 1923); “Sự cám dỗ Đức Phật” (1927); “Thiếu nữ cầm quạt” (1935 - 1936, màu nước); “Về chợ” (1927, lụa) “Thôn nữ Bắc kỳ” (lụa); "Cò trắng và cá vàng" (khắc gỗ 7 màu); “Người đàn ông ăn mày mù” (1938) "Nhà sư" (sơn dầu)… "Chân dung cụ Sùng Ấm Tường" (1927, phấn tiên); "Thiếu nữ nông thôn" (1935, lụa)…
Phần lớn tranh của ông nằm trong các bảo tàng và các bộ sưu tập ở nước ngoài. Số còn lại do gia đình lưu giữ và bảo quản. Tranh của ông ngày càng khan hiếm và đắt giá trên thị trường. Bức “Thiếu nữ cầm quạt”, ngày 22/10/2018, đã được đấu giá tại Paris với giá 565.000 euro.
Ngoài ra, Nam Sơn còn tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật. Năm 1930, ông xuất bản cuốn sách tiếng Pháp “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa). Đây là cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973) là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên theo lối vẽ hàn lâm cổ điển châu Âu đồng thời là nhà sư phạm mỹ thuật tiên phong có công đào tạo các thế hệ họa sĩ nửa đầu thế kỷ XX.