Nam Từ Liêm đi đầu trong đơn giản hóa thủ tục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới thành lập, song quận Nam Từ Liêm đang thể hiện là “điểm sáng” của khối quận về cải cách hành chính.

Giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa quận Nam Từ Liêm. 	Ảnh: Thùy Linh
Giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thùy Linh
Với tư duy xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất đến các cán bộ thực thi công vụ là “cái gì có lợi cho dân, không trái luật thì dù khó đến mấy cũng gắng làm”, thời gian gần đây, công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Nam Từ Liêm đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp giảm đáng kể thời gian, công sức cho tổ chức, công dân.

Trên 20% thủ tục được giải quyết trước hạn

Trong hơn 20 vạn hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) toàn quận Nam Từ Liêm đã tiếp nhận và trả kết quả giải quyết theo bộ phận Một cửa, một cửa liên thông 9 tháng năm nay, tỷ lệ đúng hạn đạt tới 98,96% (tại bộ phận Một cửa quận đạt 99,98%, các phường 99,93%, đơn vị hiệp quản 97,92%). Trong đó, 20% hồ sơ người dân được nhận kết quả trước ngày hẹn theo quy định. Riêng trong đợt thi đua kỷ niệm 1 năm thành lập quận (1/4/2014 -1/4/2015), đã có 642 hồ sơ được trả trước hạn, đạt 22,84%.  

Đạt được thành công này, chính là nhờ sự chủ động, tích cực của cả hệ thống, từ lãnh đạo cao nhất đến từng cán bộ thực thi. Ngay đầu năm, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với các sở, ngành TP rà soát TTHC thuộc 14 lĩnh vực nhằm kịp thời sửa đổi, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị TP bãi bỏ những quy định, TTHC không cần thiết. Tháng 8/2015, Nam Từ Liêm là quận tiên phong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 về đăng ký kinh doanh (gồm 7 TTHC), được DN đánh giá cao. Đặc biệt tháng 7/2015, quận đi đầu TP triển khai liên thông “3 trong 1” gồm cấp đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú - thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Đồng thời, nhận thức việc xóa đăng ký hộ khẩu là thủ tục mà công dân thường để chậm hoặc quên đi giải quyết, ảnh hưởng đến quản lý nhân khẩu, quận đã chủ động xây dựng quy trình liên thông cấp giấy chứng tử - xóa đăng ký hộ khẩu thường trú. Khi công dân làm giấy chứng tử để thực hiện mai táng, cơ quan chức năng làm luôn thủ tục xóa đăng ký hộ khẩu.

Cũng trong “công cuộc” đơn giản hóa TTHC, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, lãnh đạo quận chỉ đạo cán bộ bộ phận Một cửa từ quận đến phường khi tiếp nhận hồ sơ phải chú trọng đối chiếu bản chính, nhận bản photo, không yêu cầu công dân chứng thực bản sao. Do lượng công dân thực hiện TTHC về tư pháp chiếm tới 35% hồ sơ hành chính, quận bố trí riêng 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên phòng Tư pháp trực để ký chứng thực bản sao cùng bản dịch, nhằm trả kết quả ngay trong buổi trực.

Để người dân “kiểm soát” cán bộ

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Nguyễn Thu Hiền cho biết: Cùng với đơn giản hóa TTH, để ngày càng phục vụ tốt người dân, Phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND quận đầu tư cài đặt phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến giải quyết TTHC. Mặc dù tại bộ phận Một cửa đã phát phiếu để người dân ghi “hài lòng” hoặc “không hài lòng” sau khi nhận kết quả hồ sơ, song mới chỉ là nhận xét chung chung và không bắt buộc. Tới đây, mỗi người dân đến giải quyết TTHC dù tại quận hay phường, đều “gắn vào quy trình bắt buộc”: Phải ấn nút đánh giá về cán bộ giải quyết thì mới được nhận kết quả, nếu “không hài lòng” thì cũng nêu rõ do biểu mẫu, thái độ của cán bộ hay do cơ chế chính sách... “Mục tiêu của phần mềm này nhằm thể hiện sự minh bạch, người dân tự kiểm soát được cán bộ - đó chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất, hy vọng sẽ đưa công tác CCHC tiến bộ vượt bậc”, bà Hiền chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm thực thi công vụ, quận sẽ tăng cường thanh tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời xử lý nghiêm những vụ việc liên quan đến giải quyết TTHC gây bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, rà soát diện tích, cơ sở vật chất và trang phục làm việc tại bộ phận Một cửa từ quận đến 10 phường để đầu tư xây dựng một hình ảnh chung về bộ phận này trên toàn quận.