[Năm tuần trong bệnh viện Covid-19 ở Matxcơva] Bài 2: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Huy Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe cứu thương chạy gần một tiếng, xe đóng kín cửa, các cửa sổ bằng kính mờ nên không thể nhìn thấy gì nhưng tôi lờ mờ đoán là bệnh viện chắc ở trong nội thành. Xe dừng lại trong khu hàng rào xám ngăn cách với phố phường. Cây trong công viên chưa rụng hết lá, vẫn lác đác vàng, phải nửa tháng nữa chắc mới có tuyết.

Nhập viện
Bệnh viện là một khu nhà 7 tầng, có 5 đơn nguyên, trông như nhà an dưỡng, nhìn qua công viên thấy lấp ló bờ kè sông Matxcơva.

Làm thủ tục chừng 20 phút, xong các mục kê khai tên tuổi, nơi ở, nơi làm việc, khai các bệnh tiền sử… tôi theo một bà hộ lý to béo nhưng nhanh nhẹn, dẫn vào thang máy đi nhận phòng ở tầng 4. Hành lang rộng mênh mông, ngoài một bàn trực có mấy bác sĩ, không một bóng người qua lại, các cửa phòng đóng kín mít. Dẫn tôi vào phòng cách không xa bàn trực, bà hộ lý chỉ một giường trống và nhẹ nhàng nói: “Đây là giường của anh”. Và bà nhắc khẽ nghe như một mệnh lệnh: “Anh chỉ ở trong phòng, không được phép ra ngoài!”.

Đó là một căn phòng sơn màu trắng, rộng chừng 28m2, kê bốn giường, đã có ba bệnh nhân đến trước. Trong phòng có nhà vệ sinh và buồng tắm khá rộng; có một chiếc tủ chung đặt cuối góc tường, ngoài ra, mỗi người có một chiếc tủ con. Chăn, gối, drap trải giường sạch sẽ, trắng toát, đầu giường có tới ba nút bấm dùng để gọi hộ lý, bác sĩ và người phục vụ; hai ổ cắm dùng để tiếp ô xy và để cắm dây máy siêu âm. Giường bệnh nhân là loại đa năng, có thể tự nâng, nghiêng, vận chuyển như chiếc băng ca. Tôi lên tiếng chào mọi người, chẳng ai buồn đáp lại, chỉ gật đầu, tôi nhận thấy ai cũng mệt mỏi và đau đớn.

Chừng mấy chục phút, bà y tá đến, đưa tôi một chiếc cặp nhiệt độ, sau đó lấy máu ngón tay thử tiểu đường. Bà y tá rời phòng chưa được chục phút thì một bác sĩ đến siêu âm và đo huyết áp.

Trước khi được ăn trưa, một y tá khác đến trích ven lấy máu. Hầu như họ lấy máu hàng ngày, mỗi lần lấy tới ba nửa xilanh, đề tên bên ngoài và đưa đến phòng phân tích. Sau y tá là bác sĩ phụ trách tôi. Bà kiểm tra phổi, hỏi tôi một cách rất cặn kẽ về nguyên nhân nhiễm bệnh, các triệu chứng cụ thể và cầm tay động viên tôi, đừng quá lo lắng! Cử chỉ và sự thân thiện của đội ngũ y, bác sĩ làm tôi khá yên tâm trong ngày nhập viện.

Hàng ngày, các bác sĩ đều thăm khám theo lịch ba lần, sáng, chiều và tối, sau đó đội ngũ y tá nhận thuốc tiêm, phát thuốc cho bệnh nhân uống, truyền đạm, truyền thuốc, thay băng. Chỉ nhìn được ánh mắt và nhận ra họ qua thẻ đeo trước ngực, bởi vì ai cũng mặc áo chống lây nhiễm, giầy liền quần áo kín mít, không thể nào phân biệt được.

Bệnh viện này cũng như 14 bệnh viện khác chữa Covid-19 trong TP, bệnh nhân đều được miễn phí hoàn toàn từ ăn ở, phục vụ và thuốc thang. Còn muốn vào những phòng chăm sóc đặc biệt thì phải trả một khoản tiền không hề rẻ, lên tới hơn 15.000 USD cho hai tuần chữa bệnh. Nhưng không phải vì thế mà dễ dàng đăng ký được, có người phải nhờ vả, mất cả tuần mới thu xếp được chỗ. Trong TP có tới ba bệnh viện chữa Covid-19 theo chế độ trả tiền, bao gồm từ phục vụ, tới tiền thuốc, ăn uống, thậm chí là đưa đón bệnh nhân. Tất nhiên, tại những bệnh viện này, bệnh nhân được hưởng một chế độ sinh hoạt đầy đủ, mỗi người ở một phòng có mọi tiện nghi và được phục vụ theo yêu cầu.

Bệnh viện tôi nằm, mỗi ngày ăn ba bữa. Buổi sáng 8 giờ 30, buổi trưa 14 giờ và buổi tối 19 giờ, cấp dưỡng đẩy xe mang thức ăn đến, sau khi ăn xong lại cho xe đến thu dọn. Bữa ăn thường có nước trà, bánh mì, bơ, súp, cháo sữa, ít hoa quả và một món thịt hoặc cá. Nói chung mọi người đều hài lòng về tiêu chuẩn được hưởng và cung cách phục vụ. Các khẩu phần thức ăn có phân biệt đôi chút phụ thuộc vào hiện trạng của bệnh nhân.

Ở Matxcơva trong ba năm nay, có một phương thức ship hàng giống như dân chạy grab ở Hà Nội. Ai cần gửi quà cáp, thức ăn, có thể gọi điện và các shipper đến tận nơi nhận hàng, chuyển đến địa chỉ cần thiết. Nhờ cung cách chuyển đồ này, tôi thường xuyên được bạn bè và người nhà cung cấp thức ăn đúng khẩu vị, hầu như suốt tháng rưỡi nằm trong bệnh viện, tôi đều được ăn thức ăn Việt, thay đổi các món ăn nhà bếp Nga.
 Bữa cơm trong phòng bệnh
Corona tàn phá cơ thể khủng khiếp

Đêm đầu tiên trong bệnh viện hầu như tôi không ngủ được, bởi ba bệnh nhân trong phòng đều bị thể nặng, ho hen suốt đêm. Thỉnh thoảng lại có một bệnh nhân khó thở, phải chụp oxy, các bác sĩ lại tức tốc đến kiểm tra; có người có dấu hiệu đông máu, bấm nút gọi, thì cả nhóm bác sĩ đến tiêm và cấp cứu… Đèn trong phòng lại cứ bật sáng choang, giấc ngủ chập chờn và căng thẳng tột độ.

Và rồi, đến lượt mình rơi vào tình cảnh ấy. Hôm nhập viện, tôi mới còn bị tổn thương phổi 25%. Tôi chủ quan và mắc phải một sai lầm nghiêm trọng, đó là tối hôm đó, sau khi đánh răng, rửa mặt, tôi thấy mình nhiệt độ vẫn bình thường, bèn chủ quan tranh thủ gội đầu. Sáng hôm sau, tôi cảm thấy khó thở, đau tức ở ngực như bị ai dùng đầu gối ép vào, y tá đo nhiệt độ nhảy vọt lên tới 39,2, tôi lập tức được đưa đi chụp cắt lớp phổi. Khi nghe bà bác sĩ cho biết kết quả, phổi bị tổn thương tới 75%, tôi suýt ngất vì lo sợ. Thú thật, lúc đó, tôi nghĩ đến cái chết và tôi hình dung ra sự ra đi nơi xứ người cô quạnh. Trong ý nghĩ tôi, đã chuẩn bị tinh thần nhắn cho gia đình những lời trăng trối. Sau này, nói chuyện với một vài người rơi vào cảnh huống tương tự, họ cho biết cùng chung một tâm trạng và phản ứng như tôi.

Trở về phòng, tôi nằm li bì và phải chụp thở oxy suốt bốn tuần cho đến ngày ra viện. Cứ mỗi hai giờ, bác sĩ lại đến kiểm tra tim mạch. Mỗi ngày, tôi phải tiêm ba mũi vào bụng chống đông máu, có ngày tiêm tới 5 mũi; hai mũi vào bắp tay. Chỉ số oxy của tôi rất thấp, người bình thường thì khoảng 99%, còn tôi chỉ đạt 88 hoặc 90% nên thở rất khó và nói rất mệt. Tôi kiệt sức đến nỗi mỗi khi ngồi dậy, tôi cố hết sức trở người và bấm chuông nhờ hộ lý đỡ mới tựa lưng được vào tường.

Theo lời khuyên của bác sĩ, tôi uống nước thường xuyên, không uống quá nhiều, không được để khô họng. Đến bữa cơm, nhìn thấy đĩa súp và bát cháo sữa, tuy ớn đến tận cổ, không muốn nuốt nhưng tôi tự nhủ mình phải gắng ăn để thêm năng lượng.

Nằm viện chừng hai tuần, tiêm rất nhiều, khắp người chi chít mũi tiêm, uống đủ mọi thứ thuốc nhưng tôi vẫn lo ngay ngáy bị gout, bởi vì căn bệnh này, mỗi khi đau, là chỉ có kêu trời. Một buổi tối, tôi bị đau nhói ở chân, khi đứng dậy, bàn chân không thể đặt lên mặt đất, là người bị bệnh gout lâu năm, linh tính mách tôi rằng, chắc đó là cơn đau gout. Tôi lập tức báo cho bác sĩ, họ cho lấy máu để kiểm tra. Sáng hôm sau, tôi thấy bắp chân sưng gấp rưỡi bình thường, các đường gân căng mọng và sưng tấy, đau đớn vô cùng. Một nhóm bác sĩ đến, siêu âm, xem xét xong và chẩn đoán rằng, đó là triệu chứng xuất huyết.

Quả nhiên đêm đến, dọc bắp chân xuất hiện các mạch máu có màu đỏ li ti, nhiệt độ của tôi tăng lên và tức ngực khó thở. Bác sĩ phẫu thuật được gọi đến, tiêm thuốc tê và rạch sâu phía dưới đùi, máu tứa ra nhiều đến mức tôi có cảm giác choáng và lả đi. Máu chảy sũng cả chăn và drap, cô y tá thay băng và khăn trải giường liên tục. Mấy ngày sau, tuy có giảm nhưng máu vẫn rỉ ra thấm ướt cả cuộn băng. Họ phải cho tiếp máu và truyền thuốc. Mãi bốn ngày sau máu mới cầm hẳn. Lúc này thì tôi yếu đến mức không thể cầm điện thoại giơ lên nhắn tin và mấy lần bị choáng, đứng lên bị ngã. Da tay chân tôi bị xám đen và có cảm giác như bị cháy bom napan vậy. Virus Corona nó tàn phá cơ thể một cách khủng khiếp.
(Còn nữa)