Nắn chỉnh xương khớp, hiểu sao cho đúng?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắn xương chỉnh khớp là hình thức điều trị gặp trong nhiều chuyên khoa; ví dụ như nắn xương trong trường hợp gãy xương, chỉnh khớp khi bị trật khớp thường gặp ở khoa chấn thương chỉnh hình.

Tác dụng của nắn chỉnh xương khớp
Trong nắn chỉnh xương khớp, cho dù thuộc trường phái nào, người thầy thuốc phải nắm được các cấu trúc của cơ thể như thế nào là bình thường, nhận biết được các bất thường, sai lệch, từ đó mới thực hiện các kỹ thuật bằng tay tác động vật lý vào các khớp xương. Ví dụ trong điều trị thần kinh cột sống, mối quan hệ giữa cấu trúc của xương sống và chức năng của hệ thần kinh được coi là chìa khóa để duy trì hoặc phục hồi sức khỏe.

Bệnh cơ xương khớp là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam và đang có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Hùng Trần
Bệnh cơ xương khớp là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam và đang có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Hùng Trần

Nếu các đốt sống bị sai lệch, sẽ tác động trực tiếp lên các dây thần kinh đi ngang qua nó, khiến các tín hiệu truyền dẫn qua các dây thần kinh cột sống bị rối loạn, gây đau nhức và các triệu chứng bệnh lý khác. Những thao tác nắn chỉnh này nhằm loại bỏ những căng thẳng thể chất gây xáo trộn bộ máy cơ xương, hệ tuần hoàn và thần kinh. Các hệ khác của cơ thể cũng trở lại dẻo dai và linh hoạt, khi đó cơ thể tự điều hòa và lại trở nên khỏe mạnh.

Khi phương pháp nắn xương được kết hợp với vật lý trị liệu, hiệu quả điều trị sẽ được phát huy tối đa, đặc biệt trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau cổ, thoái hóa cột sống, phục hồi chức năng sau phẫu thuật, phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật, phục hồi chức năng chung cho bệnh nhân đột quỵ, đau vai, đau tay…

Tiếng "rắc rắc" phát ra có thể xảy ra bất cứ khi nào các khớp mặt của cột sống được điều khiển di lệch ra khỏi hoặc trở về vị trí bình thường của chúng. Chính vì thế, khi các khớp có chuyển động như vậy, chúng có thể tạo ra âm thanh hoặc tiếng rắc nghe thấy kèm theo cảm giác thoải mái, giãn cơ do giảm áp lực đột ngột.

Khi nắn chỉnh xương khớp, tiếng kêu "rắc rắc" là một hiện tượng vô hại. Hiện tượng này phổ biến, miễn là không gây đau đớn hoặc không có vấn đề đáng lo ngại gì khác.

Tuy nhiên, khi bác sĩ thực hiện việc nắn chỉnh, nếu không có tiếng kêu “rắc rắc” thì không có nghĩa là không hiệu quả. Nhiều bệnh nhân rất thích nghe tiếng kêu “rắc rắc” này, là một yếu tố tâm lý, mang đến cho họ sự thoải mái, chừng nào chưa nghe tiếng “rắc rắc” thì chưa thấy khỏe. Một số nơi thực hiện nắn chỉnh xương khớp có thể vì thỏa mãn nhu cầu này mà sẽ thực hiện kỹ thuật ở những vị trí dễ phát ra tiếng kêu này nhiều thay vì chú trọng vào việc điều trị sao cho đúng.

Cuối cùng, nắn chỉnh chỉ là một trong nhiều phương pháp điều trị có thể lựa chọn bên cạnh vật lý trị liệu, uống thuốc, châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt…; hoặc cần kết hợp nắn chỉnh với các phương pháp khác mới hiệu quả.

Cần tuân thủ những quy tắc nào?

Người thực hiện là thầy thuốc được đào tạo và có chuyên môn, có kiến thức về các bệnh lý cơ xương khớp.

Thầy thuốc phải nắm bắt được tình trạng người bệnh, có chẩn đoán rõ ràng mới tiến hành điều trị. Khi thực hiện trị liệu phải nắm được biên độ vận động của khớp. Nắm được tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu người bệnh có loãng xương, lao xương hoặc ung thư xương mà nắn chỉnh quá mạnh có thể gây gãy xương, vết gãy xương có thể gây đau hoặc mất máu và ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Nắm được các trường hợp chỉ định và chống chỉ định, kỹ thuật được phép thực hiện tại mỗi vùng cơ thể.

Các biến chứng nghiêm trọng do thao tác nắn chỉnh cột sống (ví dụ: đau lưng thấp, tổn thương dây thần kinh cổ, tổn thương động mạch ở cổ) rất hiếm nếu thầy thuốc thực hiện có chuyên môn. Không nên dùng tác động cột sống hoặc rất thận trọng trên bệnh nhân loãng xương hoặc có triệu chứng của bệnh lý thần kinh (dị cảm, liệt chi). Chống chỉ định trong các trường hợp như thoát vị đĩa đệm cấp, tiêu xương, rối loạn chuyển hóa xương.

Nếu thầy thuốc không có chuyên môn, sẽ dễ gây hại cho cơ thể. Ví dụ như vùng cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Thao tác gây chấn thương vùng cổ có thể gây yếu liệt tứ chi; tổn thương mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến; hoặc có thể gây căng cơ và đau nhiều hơn.

Lạm dụng việc nắn chỉnh quá nhiều có thể gây giãn dây chằng, bao khớp, làm mất vững các cấu trúc, tăng nguy cơ thoái hóa, chèn ép thần kinh.

Cần tìm hiểu về nơi thực hiện và thầy thuốc thực hiện kỹ thuật có chuyên môn và được cấp phép hay không, nắn chỉnh theo trường phái nào; tốt nhất nên thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình hoặc chuyên khoa xương khớp.