Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, không ít KĐT, dự án nhà ở vẫn thiếu đường, chưa có trường lớp, nhà hội họp…, khiến cư dân bức xúc, còn chính quyền các địa phương thêm áp lực đè nặng.
Chật vật vì khu đô thị thiếu đủ thứNói đến câu chuyện xây nhà nhưng không tính đến đường, có lẽ KĐT Linh Đàm là ví dụ điển hình. Đây là một dự án có mật độ cư dân đông đúc thuộc hàng nhất nhì Hà Nội, nhưng hạ tầng giao thông lại không được đầu tư đúng mức, dẫn tới cửa ngõ ra vào KĐT này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Ông Trịnh Văn Thành, cư dân KĐT Bắc Linh Đàm 2 phản ánh, qua 20 năm sử dụng, hạ tầng giao thông nội khu gồm nền đường, vỉa hè hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được đầu tư sửa chữa gây mất mỹ quan và người dân đi lại khó khăn.
Khu tái định cư Sống Hoàng (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) xây xong 10 năm nhưng không có người ở do hạ tầng thiếu thốn. Ảnh: Vũ Lê |
Tại các KĐT tái định cư, nhà ở xã hội còn trầm trọng hơn, hầu như thiếu công trình công cộng, trang thiết bị tiện ích đô thị. Mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị hầu như chưa phát triển, gây trở ngại không chỉ cho cư dân khu đô thị mà cả với người dân vùng lân cận. Hai tòa nhà cao 9 tầng với gần 100 căn hộ khu tái định cư Sống Hoàng (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) đã xây dựng xong gần 10 năm, nhưng đang trong cảnh hoang phế, lác đác vài căn hộ có người ở.
Nguyên nhân theo ông Nguyễn Văn Thủy, tổ 19, phường Mai Động, là do hạ tầng của khu tái định này hầu như bằng... không. Đường thoát nước thải không có, đường đi lại chỉ có duy nhất con ngõ 13 Lĩnh Nam nhỏ hẹp nên dân không muốn dọn về ở. Ông Vũ Xuân Thành, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai cũng phản ánh, tình trạng lãng phí tại tòa nhà tái định cư trên địa bàn phường xây xong 5 năm, đang dần xuống cấp nhưng không có người ở vì chưa có đường vào.Đó chỉ là hai trong số hàng loạt dự án, KĐT đang thiếu hạ tầng xã hội trên địa bàn TP. Đây là bài toán cần phải có lời giải sớm để ổn định cuộc sống của cư dân cũng như người dân xung quanh khu vực dự án.Chính quyền chịu áp lựcĐể giải quyết bài toàn kết nối hạ tầng, những năm gần đây, Hà Nội chủ trương giao trách nhiệm xây dựng hạ tầng cho các chủ đầu tư. Sau khi hoàn thiện hạ tầng được giao, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho chính quyền vận hành và quản lý để sử dụng chung cho cả khu vực chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho cư dân sinh sống tại KĐT đó. Mặc dù chủ trương là vậy, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập về hạ tầng như các trường hợp nêu trên vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đầu tiên phần lớn đến từ các chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm và cam kết trong việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng để bàn giao cho chính quyền quản lý. Từ đó, áp lực giải quyết những kiến nghị phát sinh ngày càng đè nặng đối với chính quyền địa phương.Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng chia sẻ, do quận đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án chung cư đưa vào sử dụng đã khiến các tuyến đường phố chính và một số tuyến đường nội bộ các khu đô thị, khu dân cư thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Do đó, việc xây dựng các dự án đường, trường học, thiếu nhà văn hóa đang được quận tập trung tháo gỡ. Như vấn đề thiếu trường học, theo quy hoạch tại một số KĐT sẽ xây dựng trường học, tuy nhiên các trường học này đều nằm trong danh mục vốn xã hội hóa của TP.
Nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt của người dân, trong năm 2020, quận đã khánh thành 1 trường mầm non, khởi công 2 trường tiểu học và THCS sát một số KĐT trên địa bàn. Về xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông để giảm ùn tắc, quận cũng đang tích cực triển khai GPMB để thực hiện các dự án, đồng thời cũng đã có những giải pháp trước mắt như hạn chế một số tuyến buýt tại những đường nhỏ vào giờ cao điểm.Cũng là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, tại Thanh Xuân những năm gần đây nhiều chung cư được xây dựng và đi vào hoạt động. Với dân số "nhập cư" đông khiến lượng học sinh đăng ký vào các trường công lập trên địa bàn tăng vọt. Quận Thanh Xuân đã phải dành kinh phí lớn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học của các nhà trường. Năm học 2019 - 2020, quận đưa vào sử dụng 5 trường công lập mới, trong đó có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 2 trường THCS.Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do các chủ đầu tư quá chú trọng phát triển các dự án bất động sản mà không đầu tư thích đáng cho kết nối hạ tầng. Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận việc quy hoạch ngay từ ban đầu đã thiếu cái nhìn bao quát, khiến cho bức tranh tổng thể về hạ tầng trở nên chắp vá, manh mún.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng đánh giá, sự kết nối đồng bộ về giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải KĐT với hạ tầng chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu tất yếu của các cư dân trong khu vực về lưu thông và nhiều vấn đề an sinh khác. Tuy nhiên, vấn đề kết nối hạ tầng đô thị hiện nay đang thiếu và yếu. Do đó, nhiệm vụ kết nối là do cơ quan quản lý, từ chính quyền địa phương đến Nhà nước phải là trọng tài.
“Với quyền quyết định của cơ quan quản lý trong câu chuyện quy hoạch, chỉ một nét vạch là giao thông, giáo dục, bệnh viện được kết nối. Lúc này, lập tức các KĐT sẽ thành một cộng đồng lớn, không thể trở thành ốc đảo, sự phát triển đô thị sẽ tốt hơn” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.
"Tại các KĐT, cần dừng ngay việc duyệt dự án không gắn với kế hoạch thực hiện. Phải khoán gọn tiến độ với chủ đầu tư. Nếu hoàn tất KĐT mới đồng nghĩa hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, đường… đã cam kết phải hoàn chỉnh theo. Đồng thời, cũng phải cân đối hài hòa giữa đầu tư ngân sách và xã hội hóa theo đặc thù từng khu vực. Ví dụ như tại các khu tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp thì rõ ràng chỉ tiêu trường học công lập phải cao hơn." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - TS KTS. Đào Ngọc Nghiêm |