Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:

"Nâng cánh" cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8/2023 không chỉ là cột mốc kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 Quốc hội khóa XII mà còn đánh dấu bước chuyển mình của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khi được chuyển giao quyền quản lý từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội.

Được biết, nhằm giải quyết các nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ sau thời kỳ đổi mới, Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg, ngày 12/10/1998, trên khu vực rộng 1.586 ha. Khu CNC này nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây, vốn đã được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 372/QĐ-TTg, ngày 2/6/1997.

Tiếp đó, khu CNC Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định điều chỉnh Quy hoạch 02 (Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008 và Quyết định số 899/QĐ-TTg năm 2016). Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học, với đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Khu bao gồm những vùng chức năng chính như khu phần mềm; khu nghiên cứu và triển khai (R&D); khu giáo dục và đào tạo; khu CNC; khu trung tâm; khu hỗn hợp; khu nhà ở; khu giải trí và thể thao; hồ Tân Xã và vùng đệm; giao thông và các công trình đầu mối kỹ thuật và khu cây xanh.

Lễ ký kết biên bản chuyển giao khu CNC Hòa Lạc và Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN với UBND TP Hà Nội.
Lễ ký kết biên bản chuyển giao khu CNC Hòa Lạc và Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN với UBND TP Hà Nội.
Mặc dù được kỳ vọng là “thung lũng Silicon” của Thủ đô và cả nước, nhưng qua 1/4 thế kỷ, Khu CNC Hòa Lạc phát triển chưa đúng với mục tiêu, lộ trình đề ra. Theo thống kê, khu CNC Hòa Lạc hiện đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380 ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động tại khu CNC đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là con số quá khiêm tốn so với chức năng khu CNC là nơi tạo đòn bẩy về phát triển kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ mang tính đi tắt, đón đầu.

 

Để khu CNC Hòa Lạc được “cởi trói”, vươn lên phát triển xứng tầm, Chính phủ đã quyết định chuyển giao công tác quản lý Nhà nước khu công nghệ này từ Bộ KH&CN về TP Hà Nội quản lý. Lễ chuyển giao đã chính thức diễn ra vào hôm 24/11 vừa qua. Đây được xem là bước ngoặt mang tính quyết định nhằm nâng tầm của khu CNC này.

Nhận định về việc chuyển giao khu CNC Hòa Lạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để TP cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là khu CNC Hoà Lạc”.

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khu CNC Hòa Lạc trong năm 2024. Đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai, ông Trần Sỹ Thanh nói.