Nhân lực là nguồn lực quan trọng và tạo nên năng lực cạnh tranh cốt lõi của bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào. Khu vực công là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia dưới sự kiểm soát của chính phủ, bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ công và các doanh nghiệp, cơ quan do chính phủ sở hữu và điều hành hoàn toàn ở trung ương, địa phương. Trong khu vực công, đội ngũ công chức, viên chức là yếu tố hàng đầu quyết định tới chất lượng các hoạt động dịch vụ công.
Một trong những giải pháp mấu chốt thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở nước ta được xác định hiện nay là "cải cách hành chính" và "tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước".
Để hiện thực hóa giải pháp đó, bên cạnh việc đầu tư đổi mới quy trình, hiện đại hóa thiết bị... thì nâng cao chất lượng quản trị nhân lực (bao gồm từ xác định vị trí việc làm đến thu hút, tuyển chọn, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ...) trong tổ chức công dựa trên nền tảng hệ thống chính sách khoa học, phù hợp, hiệu lực, hiệu quả được xác định là bước đi đảm bảo tính bền vững.
Hội thảo khoa học quốc gia “Quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới” mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đây là diễn đàn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam đặt trong bối cảnh mới (hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0...). Qua đó, hội thảo gợi mở các giải pháp khoa học, thực tiễn, hàm ý chính sách, kiến nghị về quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam, cũng như gợi mở những giải pháp đảm bảo khai thác, phát huy tối đa nguồn nhân lực khu vực công một cách chủ động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp. Hội đồng chuyên môn của Hội thảo đã nhận được 120 bài viết và tiến hành thẩm định các bài viết khoa học một cách độc lập, nghiêm túc, khách quan.
Các nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao/có giá trị thực tiễn và thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với 3 chủ đề xác định bao gồm: Chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới; Quản lý nguồn nhân lực công tại các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh mới; Lý thuyết và thực tiễn quản trị nhân lực của các tổ chức công trong bối cảnh mới.
Những bài viết không chỉ có tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, hàm ý chính sách đối với việc bảo đảm, phát huy tối đa nguồn nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
“Hy vọng rằng, sự hợp tác này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển vào những năm tiếp theo, mở ra cơ hội hợp tác giữa các đơn vị không chỉ trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà ở cả các lĩnh vực khác trong quản trị trường đại học”- đại diện trường ĐH Thương mại nhấn mạnh.