Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đấu thầu ở Việt Nam là một trong những khâu phát sinh tiêu cực, nhiều khi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa những điều mờ ám, thiếu minh bạch và công bằng. Thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện luật này.

Sai phạm đấu thầu diễn ra phức tạp

Qua 9 năm thực hiện Luật Đấu thầu 2013, đến nay, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, phát sinh trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trong mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước thời gian qua, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập do quy phạm pháp luật điều chỉnh chưa cụ thể hoặc chồng chéo, chưa thống nhất với các quy định của các luật khác.

Đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh
Đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh

Các quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công. Quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, tình trạng tham nhũng, gian lận, tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Công an, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu diễn ra rất phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Hàng loạt các vụ án sai phạm về đấu thầu bị khởi tố thời gian qua. Từ đất đai, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục... mỗi một lĩnh vực các đối tượng đã sử dụng những cách khác nhau để trục lợi gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật; đồng thời, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Việc sửa luật lần này cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho DN thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản Nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 98 điều. So với Luật Đấu thầu 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.

Lo ngại bỏ sót đối tượng phải đấu thầu; lạm dụng chỉ định thầu

Cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lo ngại với cách Dự thảo Luật tiếp cận, là theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. “Như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh,

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Đối với việc đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DN nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” cần rà soát kỹ, tránh khoảng trống pháp lý trong việc quản lý vốn của Nhà nước tại các DN khác không thuộc DN Nhà nước để bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước, bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của DN.

Liên quan đến chỉ định thầu, Dự thảo luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu, đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.

Dự thảo luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “dự án, gói thầu cấp bách... ”, đề nghị Chính phủ làm rõ khái niệm cấp bách và gắn với thời gian cụ thể cần phải triển khai để tránh việc áp dụng tùy tiện, thất thoát vốn Nhà nước.

Như việc chỉ định thầu đối với “gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội” thiết kế như quy định này có thể dẫn đến áp dụng rất đại trà.

“Phải khẳng định rõ đây là dự án quan trọng quốc gia cần triển khai sớm, hoàn thành nhanh và cần quy định bằng nghị quyết đặc biệt của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chứ không phải là các dự án quan trọng quốc gia chung chung. Nếu vẫn giữ quy định như dự thảo luật thì cần bổ sung các tiêu chí cụ thể để từ đó Chính phủ áp dụng chỉ định thầu” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu phân tích.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị quy định thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu”: “Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu”.

Tạo thuận lợi cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư y tế

Trước tình trạng thiếu thuốc, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội hiến kế: Ban soạn thảo cần có một chương riêng về đấu thầu y tế trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này.

Theo đó, dự thảo Luật hiện tại có việc đấu thầu thuốc, còn 2 mục rất lớn trong ngành Y tế là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa được quy định rõ; đồng thời, đề xuất phân biệt các mặt hàng y tế với hàng hóa thông thường, phải có định nghĩa riêng bởi hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan tới sức khỏe người bệnh.

Trong chương về đấu thầu thuốc và vật tư y tế, cần có thêm hình thức đấu thầu dịch vụ xét nghiệm trong 5 năm (để bảo đảm đủ thời gian khấu hao máy). Với hình thức này, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp cả hóa chất và máy xét nghiệm cho bệnh viện công, vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền mua sắm máy (nguồn lực này dành để đầu tư cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa), vừa tránh tình trạng độc quyền về hóa chất, vật tư nếu bệnh viện có sẵn máy hoặc được cho, tặng máy.

Hiện Bộ Y tế đã thống nhất cho các bệnh viện công sử dụng máy của những đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn để phù hợp với thực tế. Thế nhưng Nghị định số 151/2017/NĐ-CP “quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” lại không có quy định đơn vị công lập được mượn tài sản (máy phải qua đấu thầu).

“Ngoài Luật Đấu thầu, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành liên quan, bao gồm hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, TTBYT, giúp các CSYT dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện” - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức kiến nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vừa qua, qua trao đổi với đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, các nước mua sắm thuốc, vật tư y tế thông qua trung tâm đấu thầu quốc tế, giá rất cạnh tranh, có thể giảm 45%. Như vậy, cơ quan chủ quản có thể mua thuốc qua trung tâm hoặc DN đấu thầu quốc tế, để đảm bảo có thuốc, thiết bị vật tư y tế tốt nhất với giá rẻ. Nếu thực hiện như vậy, sẽ sửa một số quy định liên quan đến thuế, hải quan.

 

"Xây dựng giá để đưa ra đấu thầu rất quan trọng, phải sát với giá thị trường trước khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu. Cần có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên giá các loại hàng hóa, dịch vụ này làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, địa phương có căn cứ đấu thầu, rút ngắn được thời gian, quy trình, thủ tục." - Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn - Đoàn Hà Nội

"Cần giảm tình trạng chỉ định thầu với những công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nghiên cứu quy định về hạn mức chỉ định thầu; đặc biệt, cần tránh việc “xé nhỏ” gói thầu; giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý với các cấp quản lý về chủ đầu tư." - LS Trương Thanh Đức

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần