Quyết tâm của lãnh đạo TP nhanh chóng lan tỏa tới mọi cơ quan, đơn vị, tạo bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động ngay từ cấp chính quyền nhỏ nhất là xã, phường. Tại phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (ngách 26/105 Bạch Mai) đang nộp hồ sơ trực tuyến làm lại đăng ký kết hôn chia sẻ: “Gần đây tôi ra làm TTHC luôn được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn, không trễ hẹn trả kết quả. Nhất là nhờ phường đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian”.
Còn tại phường Kim Mã (quận Ba Đình), Đảng ủy ban hành riêng một nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện chủ đề công tác năm đến tận địa bàn dân cư. Trình độ dân trí không đồng đều nên hạn chế nhận thức pháp luật, khó khăn trong quản lý, ngay đầu năm, phường đã điều chỉnh phân nhiệm từng CBCC theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp năng lực; xây dựng 34 quy trình giải quyết công việc nội bộ. UBND phường giao ban đánh giá cải cách hành chính (CCHC) theo từng tuần, tháng để kịp thời giải quyết vướng mắc theo đề xuất của cán bộ chuyên môn.
Thực hiện quyết định của Thành ủy, từ tháng 7/2018 các cơ quan, đơn vị đồng loạt triển khai đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lao động hợp đồng hàng tháng, đã tạo chuyển biến rõ, chuyên nghiệp trong tác phong làm việc. Nhiều cách làm hiệu quả được thực thi tới tận xã, phường. Qua thực hiện chủ đề năm, nhất là đánh giá CBCC hàng tháng đã giúp cơ sở triển khai công việc bài bản, đáp ứng mọi nhiệm vụ, vừa khiến người dân đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ. Cụ thể, phường Kim Mã từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ việc nóng, 100% phiếu của công dân đến giải quyết TTHC đều "chấm điểm" tinh thần phục vụ của CBCC ở mức cao.
Để triển khai hiệu quả chủ đề công tác năm, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã ban hành Kế hoạch 52 triển khai thực hiện; tiếp sau đó ban hành Chỉ thị 06 “Tiếp tục siết kỷ luật, kỷ cương hành chính các cơ quan, đơn vị thuộc TP”, yêu cầu: Các cơ quan chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính; thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); quản lý chặt sử dụng thời giờ tại công sở... TP cũng ban hành kế hoạch và đẩy mạnh việc kiểm tra công vụ. |
Không chỉ nội đô, mà tại các xã trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhưng chất lượng phục vụ của chính quyền cũng tăng đáng kể, được người dân ghi nhận. Bà Nguyễn Thị Thoi (thôn Nguyên Bì, xã Quất Động, huyện Thường Tín) đang lấy kết quả đăng ký khai sinh cho cháu tại bộ phận một cửa xã cho biết: “Giải quyết hồ sơ gần đây, tôi không còn phải chờ lâu như trước. Công chức xã rất ân cần hướng dẫn, tôi dễ dàng chuẩn bị, kê khai giấy tờ, nên không có gì phải phàn nàn”. Bà Thoi chỉ là một trong nhiều người dân nông thôn khi được giải quyết TTHC. Đó chính là kết quả của quyết tâm trong cả hệ thống chính trị để ngày càng tăng chất lượng phục vụ công dân.
Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quảPhó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa nhận định: Cùng với chấn chỉnh ý thức công vụ, để thực hiện tốt chủ đề năm nay, các cơ quan, đơn vị cũng thực hiện nghiêm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, khắc phục chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ đảm bảo “một việc một đầu mối xuyên suốt”; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng chất lượng hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Đến nay, TP đã chuyển 106 ĐVSNCL sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Điển hình tại quận Hai Bà Trưng, để sắp xếp lại các ĐVSNCL, quận chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp Phòng Nội vụ quản lý chặt biên chế các ĐVSNCL do ngân sách quận đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên. Hiện 73/73 ĐVSNCL thuộc quận tự chủ về tài chính, trong đó 4 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên. Quận cũng rà soát xong số người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố; hướng dẫn các phường tăng kiêm nhiệm những chức danh không chuyên trách.
Không chỉ nội thành, tại khu vực nông thôn cũng tiếp tục khắc phục thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, năm 2018 Mỹ Đức có 125/125 thôn, tổ đã có tổ chức đảng; giảm từ 171 chi bộ thôn, xóm còn 125 chi bộ thôn, tổ dân phố…
Không tự bằng lòngThực hiện chủ đề công tác năm cũng được TP gắn với nâng chất lượng CCHC để phục vụ người dân tốt nhất. Một số nơi còn chủ động công bố chỉ số CCHC cấp xã (Long Biên, Ba Đình, Gia Lâm...), đo sự hài lòng của người dân, tổ chức (Sở LĐTB&XH, Y tế, quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân...). TP cũng giảm tối đa thời gian, giấy tờ giải quyết TTHC cho công dân, gỡ khó nhằm nâng tỷ lệ cấp “sổ đỏ”. Năm 2018 đã có hơn 190 TTHC của TP đã được bãi bỏ. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành quy định và áp dụng một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại ĐVSNCL, DN, hợp tác xã.
Từ chỉ đạo của TP, năm nay Gia Lâm đã đơn giản hóa gần 60 TTHC cấp huyện, 20 TTHC/xã. Nét mới là huyện yêu cầu các đơn vị ban hành lại quy chế làm việc quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu. “Người đứng đầu không xây dựng kế hoạch của đơn vị nữa, mà kế hoạch của đơn vị chính là kế hoạch của người đứng đầu, kế hoạch của bộ phận là kế hoạch của cấp phó phụ trách. Kế hoạch được hoàn thành hay không thì trưởng hoặc phó hoàn toàn chịu trách nhiệm” - Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lưu Thị Ngọc Yến cho hay.
Dù vậy, theo đại diện nhiều đơn vị, việc đô thị hóa nhanh khiến áp lực CCHC rất lớn, nên muốn giữ vững kết quả, tăng hài lòng của người dân, DN thì trách nhiệm nặng nề đang đặt lên vai mỗi CBCC. Chánh Văn phòng Sở Tài chính Nguyễn Tiến Thiết chia sẻ: Với kết quả đạt được, lãnh đạo Sở xác định vẫn phải không ngừng nâng cao mức hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của CBCC. Chỉ số CCHC vươn lên đứng đầu khối sở, ngành nhưng Chỉ số hài lòng của người dân theo TP đánh giá thì Sở Tài chính vẫn đứng thứ hai. Đây là chỉ số rất quan trọng, nên Sở đang tập trung rà soát từng tiêu chí, đối tượng để tìm giải pháp nâng chỉ số này.
Cùng nỗ lực của đơn vị thì trong bối cảnh nhiều việc, ít người làm nên luôn quá tải, nhiều đơn vị kiến nghị TP bố trí thêm công chức nguồn cho cấp huyện, xã đủ số tối thiểu. Với những quy trình liên thông thuộc thẩm quyền TP, các sở cần xây dựng quy trình phối hợp để cấp cơ sở trả kết quả đúng hạn cho Nhân dân. Nhiều CBCC cấp xã còn mong cơ quan chức năng ban hành văn bản mới cần có hướng dẫn kịp thời; sửa đổi quy định cũng cần có “độ trễ” cho CBCC thích nghi, tránh giải quyết công việc gây bức xúc cho người dân.