Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị: Nhiều kết quả khả quan

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chủ đề "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” gắn với quyết tâm cải cách hành chính (CCHC), xây dựng nền hành chính kiến tạo vì người dân, từ đầu năm đến nay, từ TP đến tận cấp xã đã đạt nhiều kết quả khả quan, ngày càng nâng cao sự hài lòng của các tổ chức, công dân.

Nghiêm túc chấn chỉnh giờ giấc, tác phong làm việc

Triển khai chủ đề công tác năm, theo ghi nhận thực tế, bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động thể hiện ngay từ cấp cơ sở nhỏ nhất là xã, phường. Ngay đầu năm, Đảng ủy xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) đã khẩn trương họp mọi bộ phận quán triệt việc xây dựng kế hoạch cho từng tháng, quý. UBND xã xây dựng kế hoạch vừa thực hiện kỷ cương hành chính vừa tuân thủ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động. Trong đó, chú trọng chấn chỉnh những bộ phận liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cửa, một cửa liên thông (MCLT). Mọi CBCC đăng ký lịch tuần từ chiều thứ Sáu tuần trước; ngày 23 hàng tháng nộp đánh giá công tác tháng trước và kế hoạch tháng sau. Đặc biệt, “ngoài chấp hành nghiêm thời gian đến và về, mọi CBCC phải hạn chế tối đa từ phòng nọ sang phòng kia chuyện trò, ảnh hưởng không khí tập trung làm việc. Phòng chuyên môn sáng làm từ 7 giờ 45 phút - 11 giờ 30 phút, chiều 13 giờ 30 phút - 17 giờ; riêng CBCC bộ phận một cửa (BPMC) luôn đến trước nửa giờ để chuẩn bị hồ sơ phục vụ công dân, nhiều hôm hơn 18 giờ mới về” - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi Đào Văn Tuyến chia sẻ. Với những nỗ lực này, đoàn kiểm tra công vụ huyện vừa về khảo sát đã đánh giá việc thực hiện chủ đề năm tại Cổ Bi rất bài bản.
Công chức bộ phận một cửa phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, từ tháng 7/2018, các cơ quan, đơn vị toàn TP đồng loạt triển khai đánh giá CBCCVC hàng tháng, tạo chuyển biến rõ nét trong chấp hành nội quy, chuyên nghiệp hơn trong tác phong làm việc. Như tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), việc đánh giá đã được triển khai từ đầu năm nhưng từ tháng 7 thực hiện quyết định của TP, phường siết chặt hơn tỷ lệ CBCC đạt loại xuất sắc. Hàng tháng, mọi CBCC đăng ký kế hoạch công tác, tự chấm điểm; từ đó Thường trực UBND phường họp giao ban cho CBCC đánh giá lẫn nhau, Chủ tịch phường kết luận điểm mỗi người. Đánh giá như vậy rất công khai, dân chủ, gắn với việc lãnh đạo nêu gương điển hình và rút kinh nghiệm tới CBCC ngay trong giao ban hàng tuần. UBND phường cũng quy định CBCC đi họp, xuống địa bàn đều báo cáo. Vì vậy, thông qua kiểm tra đột xuất, tăng thiết bị giám sát các bộ phận, lãnh đạo nắm được việc chấp hành thời gian làm việc có nghiêm túc không.

"Xã, phường là cấp cuối cùng thực thi chính sách, sát với dân nhất nên áp lực rất lớn. Hơn nữa, có những văn bản quy định chung chung, dù vận dụng linh hoạt nhưng vẫn phải đúng luật, nên để thực hiện nghiêm quy định mà vẫn hài lòng người dân, chúng tôi mong cơ quan chức năng ban hành văn bản mới thì có hướng dẫn kịp thời, giúp CBCC nhanh chóng áp dụng vào công việc. Sửa đổi các quy định cũng cần “độ trễ” cho CBCC có thời gian nghiên cứu, tránh tình trạng không thích nghi được ngay thì giải quyết công việc có khi khiến người dân bức xúc." - Phó Chủ tịch UBND

phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan

Theo nhiều cán bộ cơ sở, thực hiện chủ đề năm nay đã giúp triển khai công việc bài bản, nhất là đánh giá CBCC hàng tháng vừa giúp đáp ứng mọi nhiệm vụ, vừa khiến người dân đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ. Tại phường Bách Khoa, nhiều người dân đánh giá phong cách phục vụ của CBCC phường thay đổi rõ nét. Tại Cổ Bi, chấm điểm thi đua tháng cũng giúp cải thiện rõ chất lượng bộ máy. CBCC hăng say cập nhật thông tin, tập trung thời gian vào công việc.

Không ngừng nâng chất lượng phục vụ

Gắn với thực hiện chủ đề năm, từ TP đến cấp xã đều triển khai CCHC cùng với giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, PAPI. Một số nơi còn chủ động công bố chỉ số CCHC cấp xã như Long Biên, Ba Đình, Gia Lâm...; đo sự hài lòng của người dân, tổ chức, như Sở LĐTB&XH, Y tế, quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... TP cũng đẩy mạnh quán triệt tinh thần phục vụ Nhân dân tới CBCC cơ sở, nhất là đơn giản hóa, giảm thời gian hoàn thành TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gỡ khó để nâng tỷ lệ hồ sơ đủ điều kiện. Đặc biệt, nhằm cải thiện mối quan hệ công dân - cơ quan hành chính, khắc phục việc chậm thông báo kết quả giải quyết tới người dân, tháng 2/2018, UBND TP phê duyệt Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân - cơ quan hành chính TP hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả”; tháng 4/2018, Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị 07 về nâng chất lượng tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan đã nhanh chóng bố trí cơ sở vật chất, định kỳ tiếp dân; sắp xếp CBCC giải quyết TTHC, cán bộ tiếp dân đảm bảo phẩm chất, thường xuyên được nâng cao nghiệp vụ…

Nhằm chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, cùng với thay đổi cung cách phục vụ, quận Nam Từ Liêm gần đây tích cực triển khai nhiều biện pháp giảm thời gian, số lần đi lại của công dân khi làm những TTHC đang có nhu cầu bức xúc. Trong đó, đã giảm thời gian giải quyết 50 TTHC về tư pháp, đăng ký kinh doanh, TN&MT... Từ quận đến phường lập tổ giải quyết nhanh TTHC theo yêu cầu: Cấp chứng tử trong 24/24 giờ (cả Chủ nhật, ngày lễ); chứng thực tại nhà cho chữ ký trong giấy tờ của người già, bệnh tật… Nhiều công dân đến làm TTHC chia sẻ, gần đây không phải chờ lâu, được phục vụ như một “khách hàng thân thiết”.

Từ đầu năm đến nay, tại Gia Lâm cũng đơn giản hóa hơn 70 TTHC cấp huyện, mỗi xã đơn giản hóa gần 20 TTHC cấp xã (chủ yếu giảm thời gian giải quyết). Đoàn kiểm tra công vụ huyện thực hiện hàng chục cuộc kiểm tra chuyên đề và đột xuất về nền nếp tuân thủ quy trình một cửa, MCLT đánh giá: Việc niêm yết công khai quy chế làm việc, quy tắc ứng xử của CBCC tại BPMC; giải quyết TTHC theo đúng một cửa, MCLT… được nhiều đơn vị thực hiện nghiêm. Đáng kể, huyện đã thanh tra 4 xã về trách nhiệm Chủ tịch UBND trong CCHC; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu 3 xã, hạ mức thi đua quý II với 42 cá nhân vi phạm tại 5 xã. Qua 7 tháng, Gia Lâm đạt gần 100% hồ sơ được giải quyết đúng, trước hạn. Việc đối thoại với người dân, theo dõi sổ tiếp nhận kiến nghị về giải quyết TTHC cũng được nghiêm túc triển khai, người dân hoan nghênh.

Dù vậy, nhiều lãnh đạo quận, huyện cho hay, địa bàn đang đô thị hóa nhanh khiến áp lực CCHC rất lớn, nên muốn giữ vững kết quả đạt được, nâng cao hơn sự hài lòng của người dân thì trách nhiệm nặng nề đang đặt lên vai mỗi CBCC. Vì vậy, cùng với duy trì tốt mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm”, một giải pháp Nam Từ Liêm đang gấp rút triển khai là xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá kết quả công tác CCHC áp dụng nội bộ quận”, được kỳ vọng sẽ trực tiếp góp phần phát huy nhịp độ phát triển nhanh, bền vững của quận, tăng hiệu quả chỉ đạo điều hành các cấp. Cũng triển khai bộ chỉ số này, nhưng Gia Lâm đã áp dụng thí điểm 4 xã từ năm 2016, triển khai đại trà các xã từ 2017 và năm nay áp dụng với các phòng, ban. Trưởng phòng Nội vụ Trần Trung Tuyết cho biết, huyện đã phát phiếu khảo sát từ tháng 7/2018, dự kiến tháng 10 thu phiếu để phân tích, chấm điểm và tháng 12 công bố Chỉ số CCHC của mọi xã, phòng, ban.

"Cùng với thêm công chức nguồn cho quận, phường để đủ số tối thiểu, quận cũng mong TP chỉ đạo với những quy trình liên thông thuộc thẩm quyền TP giải quyết, các sở cần xây dựng quy trình phối hợp để cấp cơ sở thuận lợi, trả kết quả đúng hạn cho Nhân dân. Bên cạnh khắc phục lỗi phần mềm, TP cần sớm có phương án tích hợp cơ sở dữ liệu, liên thông giữa các phần mềm chuyên ngành để đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC." - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long