Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về công nghiệp văn hoá

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, các cơ quan báo chí của Thủ đô đã duy trì đều đặn các thông tin về phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH). Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin phản ánh sinh động đời sống xã hội, nhất là các vấn đề xây dựng và phát triển văn hoá, CNVH.

Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm:

Sáng tạo, nhạy bén trong tuyên truyền công nghiệp văn hóa

Ở Việt Nam, CNVH gồm các lĩnh vực sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, kết hợp chặt chẽ với ứng dụng công nghệ, kỹ năng kinh doanh, để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội. Truyền hình và phát thanh nằm trong số 12 lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để tập trung phát triển trong thời gian tới. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền tích cực, hiệu quả về Nghị quyết số 09-NQ/TU, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đang nỗ lực đổi mới để thay đổi, phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và góp phần phát triển các ngành CNVH trên địa bàn Thủ đô. 

Tổng Giám đốc Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm
Tổng Giám đốc Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm

Hiện nay, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo định hướng của Chính phủ, TP Hà Nội và thực hiện đề án “Tổ hợp truyền thông đa phương tiện”, với mục tiêu sớm phát triển Đài trở thành đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình. 

Chuyển đổi số cũng đang tạo ra những thay đổi đột phá trong tư duy và cách thức tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Từ đó giúp nâng cao chất lượng chương trình và truyền tải thông tin nhanh nhất, sinh động, hấp dẫn đến khán thính giả, đặc biệt với các lĩnh vực phát triển CNVH, đòi hỏi sự sáng tạo, nhạy bén, không ngừng đổi mới.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Hà Nội ra Nghị quyết 09 rất kịp thời

Phải khẳng định, việc Hà Nội ra Nghị quyết 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là kịp thời, đúng thời điểm. Bởi trong thực tiễn, Hà Nội đã đủ điều kiện để phát triển CNVH. Đồng thời việc ra Nghị quyết 09 phù hợp với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng. Đặc biệt, sau Hội nghị Toàn quốc về văn hoá, Hà Nội ra Nghị quyết là rất kịp thời. 

TS Nguyễn Viết Chức.
TS Nguyễn Viết Chức.

Báo chí Hà Nội đã tuyên truyền đúng, chính xác nhiều nội dung, nhất là ý nghĩa của Nghị quyết 09 với sự phát triển văn hóa nói riêng, với kinh tế - xã hội Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền vẫn chưa làm cho cả Thủ đô sôi sục về phát triển CNVH. Người trong ngành văn hóa, người dân vẫn chưa biết phải làm gì? Người trong ngành công nghiệp, những ngành kinh tế khác cần thực hiện ra sao? Những sản phẩm của CNVH cũng chưa được quảng bá, giới thiệu một cách sâu sắc, rộng rãi… để từ đó, nhận thức chung của cả xã hội mạnh mẽ, có chuyển biến lớn.

Vì vậy, tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn, tạo ra nhận thức chung của cả xã hội. Vì suy cho cùng, văn hóa là vấn đề quan tâm của cả xã hội, không phải chủ của một nhóm. Mặt khác, tôi mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí hướng dẫn phát triển CNVH ở lĩnh vực nào, mũi nhọn là gì? Là làng nghề, lĩnh vực dịch vụ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển CNVH ra sao? Do vậy, vai trò của truyền thông rất quan trọng.

Cùng với báo chí Hà Nội, lãnh đạo cơ quan báo chí, tuyên giáo Hà Nội cũng cần mời báo chí của T.Ư, các địa phương khác để tuyên truyền, tổ chức các cuộc tọa đàm về vấn đề phát triển CNVH Thủ đô. Qua đó làm cho mọi người hiểu được CNVH của Thủ đô khác gì so với việc phát triển CNVH ở những địa phương khác. Tôi kiến nghị, báo chí Thủ đô cùng với các đồng nghiệp T.Ư, địa phương thực hiện một đợt tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ về CNVH Thủ đô, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời đại mới.

Ông Đặng Xuân Tùng - Tổ trưởng Tổ dân phố 28, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội:

Báo chí Thủ đô cung cấp thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về CNVH; thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển CNVH. Nghị quyết nêu rõ 6 quan điểm, 1 mục tiêu chung, 3 mục tiêu cụ thể tương ứng với 3 mốc thời gian như trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII Đảng bộ TP xác định, đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045.

Ông Đặng Xuân Tùng.  
Ông Đặng Xuân Tùng.  

Trong đó tôi quan tâm đến việc phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành TP sáng tạo, quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Theo dõi thông tin trên các trang thông tin của báo chí Hà Nội, tôi thấy có rất nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu về phát triển văn hóa Thủ đô. Năm 2019, Hà Nội tham gia mạng lưới TP sáng tạo.

Báo chí Hà Nội đã có nhiều chuyên đề, bài viết chuyên sâu tập trung tuyên truyền, phân tích sâu những vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực phát triển CNVH, xây dựng TP sáng tạo, giới thiệu các mô hình hay, kinh nghiệm quý trong phát triển CNVH.

Trong bối cảnh phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet đã và đang trở thành phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật, tôi mong rằng Hà Nội sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hội tụ gương mặt nghệ sĩ xuất sắc, các vận động viên thể thao giỏi…

Đối với các vấn đề nóng, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm, cần đánh giá nhận xét và có thông tin một cách rõ ràng, nhất là truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội phát triển như hiện nay. Đồng thời, tôi mong rằng các cơ quan báo chí sẽ có nhiều đổi mới trong việc phản ánh các mặt đời sống, xã hội, nhất là vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng.