Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao PCI Hà Nội năm 2022: Nhìn thẳng hạn chế để bứt phá

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quyết tâm thay đổi và nâng cao toàn diện chất lượng hành chính của chính quyền các cấp, năng lực cạnh tranh của TP Hà Nội, người đứng đầu chính quyền TP đã ban hành một Chỉ thị về vấn đề này.

Trong đó, trên tinh thần cầu thị, TP đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt được, chưa được, các chỉ số thành phần còn thấp, có nguy cơ “rớt hạng” và yêu cầu cụ thể giải pháp khắc phục.

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở Tài chính Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Sở Tài chính Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Có thể nói rằng, trong những năm qua, Hà Nội đã chứng tỏ sức vươn mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng DN; lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của DN làm thước đo và đã thu về những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, Hà Nội khẳng định vị thế của mình một cách vững chắc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Nhiều năm liên tục TP Hà Nội giữ vị trí trong Top 10 bảng xếp hạng PCI, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.

Đây cũng là kết quả đáng lưu ý, bởi Hà Nội là địa phương có số lượng DN lớn nhất cả nước, khối lượng công việc của chính quyền các cấp rất lớn. Trong khi cuộc đua PCI ngày càng mạnh mẽ, việc giữ thứ hạng và tăng điểm ở các chỉ số thành phần cho thấy tinh thần cầu thị của lãnh đạo TP và bứt phá trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh vì DN. Bởi tinh thần lắng nghe các kiến nghị của DN để đổi mới, cải cách, nâng cao tinh thần phục vụ đã thể hiện rõ trong công việc điều hành thường xuyên, các cuộc đối thoại, gặp gỡ…

Như quan điểm được thể hiện rõ, muốn nâng cao chỉ số PCI, phải phân tích thế mạnh, yếu. Và mỗi năm, sau khi Chỉ số PCI được công bố, TP đều có sự phân tích sát sao từng chỉ số thành phần, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế. Vừa qua, với Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc nâng cao Chỉ số PCI năm 2022, người đứng đầu TP đã thẳng thẳn chỉ rõ các chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể và chỉ số rơi vào nhóm có xếp hạng rất thấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành tìm giải pháp khắc phục.

Trong đó có những chỉ số tuy đã tăng bậc so với năm trước nhưng vẫn rơi vào nhóm xếp hạng rất thấp như “Chi phí gia nhập thị trường”, “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, “Chi phí thời gian”, “Chi phí không chính thức”... hay một số chỉ số dù xếp cao nhưng lại giảm điểm.

Như với chỉ số "chi phí không chính thức", Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, quận huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này bằng các phương án như cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí trên mọi lĩnh vực. Đồng thời tăng kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà tạo gánh nặng cho người dân, đơn vị, DN…

Hay với chỉ số "tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất", dù tăng 6 bậc so với năm trước, nhưng vẫn còn ở nhóm xếp hạng rất thấp. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP đã giao Sở TN&MT phải tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường; đồng thời không gây khó khăn cho DN khi làm các thủ tục hành chính về đất đai…

Chính tinh thần nhìn thẳng vào thực tế, tự soi vào hoạt động của từng lĩnh vực, thấy điểm nào chưa hợp lý thì cầu thị, tiếp thu với tinh thần “khắc phục để tốt hơn” ấy sẽ là giải pháp để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa chỉ số PCI. Và việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch với những giải pháp mới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp thu hút đầu tư tốt hơn, cũng dẫn theo dòng vốn ngân sách, xã hội sẽ sinh lời nhiều hơn. Đó là hiệu quả dễ dàng nhìn nhận được.