Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài càng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

 Và nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài trên phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, theo hướng “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây vẫn là quan điểm nhất quán của nước ta.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong đó khoảng 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Dòng vốn này góp phần gia tăng nguồn lực đầu tư, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, cộng hưởng cùng DN trong nước phát triển đi lên. Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhu cầu đầu tư, kinh doanh giảm sút, cộng thêm tác động từ cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được một số nền kinh tế áp dụng từ năm 2024, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chậm lại.

Bốn tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Hơn ba năm trước, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về đầu tư nước ngoài, với một nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài”, chứ không phải chỉ đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây.

Đó là Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam sau đó cũng đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược.

Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, chiến lược của Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.

Chiến lược này cũng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới...

Các cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Điều này bảo đảm không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo đảm đối xử công bằng giữa các DN, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng DN và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.