Nâng chất lượng phục vụ từ việc rèn cán bộ, viên chức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là trung tâm cả nước nên đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ của riêng các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội mà còn của các cơ quan T.Ư, đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn.

 BHXH TP Hà Nội có số chi BH lớn nhất và số thu thứ nhì cả nước; số đơn vị và đối tượng tham gia, thụ hưởng BH rất lớn lại thường xuyên biến động, dẫn đến việc giải quyết chế độ chính sách về BH hết sức đa dạng và nhạy cảm.

Nâng cao chất lượng công chức, viên chức

Hiện, BHXH TP có 11 phòng nghiệp vụ và 30 BHXH quận, huyện, thị xã với hơn 1.400 công chức viên chức (CC,VC) và lao động hợp đồng, trong đó gần 1.200 người có trình độ ĐH, trên ĐH. Nhằm phục vụ tốt nhất việc giải quyết chế độ chính sách cho người dân, BHXH TP thường xuyên quan tâm đào tạo, tập huấn để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ CC, VC đồng bộ, trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất và năng lực thực thi nhiệm vụ. Nhất là triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, CC, VC giai đoạn 2011 - 2015", từ năm 2012 đến nay BHXH TP đã cử 6 VC đi đào tạo sau ĐH, 4 VC học lý luận chính trị cao cấp và 31 trình độ trung cấp; 489 CC, VC được cử đi học quản lý Nhà nước, trong đó 11 người học chuyên viên cao cấp. Công tác tập huấn nghiệp vụ cũng được quan tâm liên tục, với hơn 7.000 lượt cán bộ CC được tham gia 45 lớp do cơ quan tổ chức.

Đặc biệt, để nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương hành chính, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, BHXH TP thường xuyên chấn chỉnh cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm kỷ luật, thời gian lao động; bình xét xếp loại hàng tháng đối với cá nhân, hàng quý với tập thể đảm bảo khách quan. Từ tháng 7/2013, văn phòng BHXH từ TP đến quận, huyện đã thực hiện chấm công, theo dõi VC ra vào cơ quan bằng thiết bị nhận dạng vân tay và hệ thống camera quan sát. Việc tuyển dụng, điều động CC, VC, lao động hợp đồng đều được căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm, công khai theo đúng quy định và phạm vi biên chế được BHXH Việt Nam giao. Công tác bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng như xử lý các vi phạm được thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn chức danh quy định. Hàng năm các đơn vị đều tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên kiểm tra nội bộ, kiểm tra nghiệp vụ. Điều này đã hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện nghiệp vụ và phòng chống tham nhũng, lãng phí cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác.

Kiến nghị gỡ khó

Đặc thù của ngành BHXH là giải quyết chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của rất nhiều đối tượng, với rất nhiều loại thủ tục hành chính. Do đó, công tác CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ được lãnh đạo BHXH coi là nhiệm vụ quan trọng thực hiện thường xuyên. Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai cho biết, đơn vị luôn cố gắng chủ động và quyết liệt triển khai, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của cả hệ thống CC-VC đối với các đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ BHYT, BHXH, BH thất nghiệp. Mặc dù vậy, theo bà Mai, để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành BHXH, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn ngày càng tốt hơn, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các phần mềm quản lý và kết nối liên thông các quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa hệ thống mẫu biểu báo cáo nghiệp vụ công tác thu, chi, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT… TP cần quan tâm sớm cấp đất xây dựng trụ sở mới cho BHXH từ TP đến một số quận, huyện. Đồng thời, hỗ trợ BHXH TP nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin, nhất là hệ thống trang bị cần thiết để tổ chức hội nghị trực tuyến của ngành, góp phần CCHC ngày một tốt hơn.