Nâng giá trị cho sản phẩm OCOP

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2018 - 2020, việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

 
 Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí
Dù vậy, để tạo sức lan tỏa lớn hơn, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn tới, vẫn còn nhiều việc cần làm. Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh vấn đề này.
Ông có thể đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 của Hà Nội?

- Trong giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội đặt mục tiêu đánh giá, phân hạng được ít nhất 1.000 sản phẩm OCOP. Kết quả thực hiện, đã có 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao, còn lại là các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. So sánh với tổng số sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng của cả nước là hơn 3.000 sản phẩm thì có thể thấy, Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, Chương trình OCOP còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động các địa phương.
Yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công trên là gì, thưa ông?

- Có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu đến nay của Chương trình OCOP. Thứ nhất, công tác thông tin, tuyên truyền được tổ chức sâu rộng. Từ đó tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp, mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là chủ thể hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng.
 Khách hàng tham quan gian trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại một hội chợ tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Thứ hai, công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, DN, hợp tác xã, chủ thể các sản phẩm OCOP rất được quan tâm. Qua đó giúp việc tổ chức triển khai tại cơ sở ngày một bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thứ ba, yếu tố hết sức quan trọng đó là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, nhất là đối với khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Riêng năm 2020, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên, TP cũng đã tổ chức thành công 4 sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng, miền trên cả nước.

Sau giai đoạn 2018 - 2020, ông đánh giá quá trình thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Hà Nội còn những điểm khó khăn, vướng mắc gì?

- Khó khăn lớn nhất trong thực hiện Chương trình OCOP hiện nay là cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đơn cử như TP hiện chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm được cấp sao, trong khi nhiều tỉnh, TP của cả nước đã linh hoạt thực hiện được nội dung này. Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất nông sản, hàng hóa hiện nay, nhất là tại khu vực nông thôn còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Các chủ thể chưa quan tâm nhiều đến cải tiến, nâng cấp mẫu mã, bao bì khiến sức hấp dẫn của nhiều sản phẩm không cao…

Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp nào?

- Những vấn đề cần được tập trung tìm hướng giải quyết, tháo gỡ trong giai đoạn tới là tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia sâu rộng của các tầng lớp Nhân dân đối với việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chương trình OCOP. Cùng với phát triển các sản phẩm, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ sản phẩm OCOP chân chính. Bên cạnh đó, tiếp tục giải quyết bài toán sản phẩm OCOP sẽ đi về đâu bởi mục tiêu cốt lõi của Chương trình không chỉ dừng ở số lượng sản phẩm được công nhận, mà quan trọng hơn là mang lại giá trị cho chủ thể. Ngoài ra, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần