70 năm giải phóng Thủ đô

Nâng hiệu quả cải cách thể chế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiều ý kiến đánh giá cao việc TP đã xác định khâu đột phá để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương.

Hà Nội là địa phương đi đầu, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: Thanh Hải
Giải pháp để khắc phục bất cập
Qua Dự thảo Văn kiện, nhiều ý kiến nhận định, cải cách thể chế hành chính làm một trong những lĩnh vực Hà Nội đã tạo được bước tiến mới trong những năm qua. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP ngày càng hoàn thiện và ổn định, đáp ứng nhu cầu quản lý, thực tiễn và khắc phục được sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống thể chế đã có. Trong đó, việc cải cách thể chế nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Vì vậy, đã có nhiều văn bản liên quan đến phát triển kinh tế, hỗ trợ DN nhằm xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng được ban hành. Qua đó, đã tạo thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá về thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, trong Dự thảo lần này, TP đã xác định một trong ba khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới là: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP. Trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Trên cơ sở phân tích thực tiễn, một số ý kiến lưu ý TP nên ưu tiên, đưa khâu đột phá này lên vị trí thứ nhất, vì đây là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung, cập nhật các nội dung liên quan đến vấn đề xã hội hóa, tinh giản bộ máy.
Khi góp ý về nội dung này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, Ðảng bộ TP Hà Nội cần xác định công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Ðể chấm dứt cơ chế "xin - cho", khắc phục những kẽ hở của chính sách, rất cần có một đội ngũ quản trị tinh thông, chuyên nghiệp.
Nguyên Phó Chủ tịch HÐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cũng đề xuất, Dự thảo phải nói rõ hơn nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế ở cả thể chế chính trị, kinh tế chứ không chỉ đổi mới thể chế kinh tế. Bởi hiện nay bộ máy quản lý vẫn cồng kềnh, còn chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, nặng về hình thức trong một số hoạt động, sự sa sút về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không nên né tránh việc đặt vấn đề đổi mới hay cải cách thể chế chính trị. Việc đổi mới này là để củng cố và nâng cao sức chiến đấu của Ðảng, hiệu quả hoạt động điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Do đó, trong phần bài học kinh nghiệm cần phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại và thực hiện công khai, minh bạch.
Nâng chất lượng cải cách hành chính
Các ý kiến cũng đồng tình với quan điểm, tiếp tục mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm phục vụ đã đặt ra trong Dự thảo. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tất cả hệ thống chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính. Đồng thời nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp…
Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ, Hà Nội đã có bước tiến vượt bậc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từ vị trí thứ 33 (năm 2013), chỉ sau vài năm, với quyết tâm cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự quyết liệt của chính quyền, TP đã vượt lên top 10 của cả nước vào năm 2018. Năm 2019, mặc dù các địa phương khác có cố gắng vượt bậc, Hà Nội vẫn giữ được thứ hạng này.
Trong khi đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với 8 chỉ số nội dung thành phần không chỉ phản ánh tập trung về cải cách hành chính mà còn thể hiện sự phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò của hệ thống chính trị, là sự phát triển bền vững xoay quanh 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, Chỉ số này của Hà Nội có cải thiện nhưng rất chậm trong thời gian qua và chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, trong Dự thảo, Đảng bộ TP nên quan tâm nhiều hơn tới giải pháp cải thiện chỉ số này, phấn đấu tạo bước tiến vượt bậc về PAPI như bước tiến với chỉ số PCI thời gian qua.
Việc quan tâm và có những giải pháp hiệu quả để cải cách thể chế, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cùng với đẩy mạnh hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ tiếp tục tạo động lực phát triển cho Hà Nội, từng bước hình thành những yếu tố cơ bản của chính quyền điện tử và thành phố thông minh.