Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP Ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Chính phủ yêu cầu hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng quan tâm cả đời sống vật chất và tinh thần, giúp người dân kịp thời khắc phục khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác.
Đồng thời, tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo hướng bảo đảm mức sống tối thiểu, sàn an sinh xã hội quốc gia; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu tiên hỗ trợ cho người không có khả năng lao động, người khuyết tật, người cao tuổi, người di cư và gia đình có trẻ em, người có thu nhập thấp. Cùng với đó là mở rộng chính sách hỗ trợ hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Chính phủ chỉ đạo phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị bạo lực gia đình và người bị bạo lực trên cơ sở giới. Song song với đó là xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; kết nối, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội.
Các địa phương đổi mới việc huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội, cứu trợ khẩn cấp; quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ xã hội từ thiện, nhân đạo, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội đang được thực hiện là 360.000 đồng/tháng và hệ số trợ cấp đối với các nhóm cụ thể khác nhau, mức thấp nhất là hệ số 1 và mức cao là hệ số 2,5.
Theo Bộ LĐTB&XH, hiện nay, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp người có công với cách mạng. Để đảm bảo đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp, trước đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất bổ sung đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là: trẻ em có cả cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc; trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ trong độ tuổi trẻ em; trẻ em có cả cha và mẹ bị hạn chế quyền làm cha mẹ hoặc tạm thời cách ly khỏi cha mẹ theo quy định của pháp luật.