Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng suất lao động thấp: Khó sống bằng lương

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm gì để cải thiện tình trạng tiền lương tăng nhanh nhưng năng suất lao động (NSLĐ) vẫn thấp là vấn đề đặt ra tại hội thảo “Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng” diễn ra ngày 29/5.

32% người lao động sống khó khăn
Đa số các ngành được khảo sát đều có tốc độ tăng tiền lương cao hơn NSLĐ, đơn cử như vật tư kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến và chế tạo. Ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm xã hội, GD&ĐT và hoạt động của các tổ chức quốc tế có tốc độ tăng tiền lương thấp hơn NSLĐ. Từ nghiên cứu giai đoạn 2009 - 2016 này, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Quang Vinh nhận định: “Những nhóm ngành có mức tiền lương thấp thì tốc độ tăng lương cao hơn do chịu sự điều chỉnh của tiền lương tối thiểu. Các nhóm có tiền lương cao hơn do có quan hệ chặt chẽ và gắn hơn với NSLĐ”.

Công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh rút tiền lương qua thẻ ATM. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo – động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa 10,64%. Trong đó, 2 ngành sử dụng nhiều lao động là dệt may, da giày có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa cao hơn. Tuy nhiên, mức lương bình quân tháng của lao động lại không cao (4.274.000 đồng), thấp hơn trung bình chung cả nước 155.000 đồng (năm 2016). Nông nghiệp là ngành có mức lương thấp và tốc độ tăng lương thấp nhất 10,91%, trong khi ngành công nghiệp xây dựng là 11,46% và dịch vụ là 12,03%.
Ngoài tiền lương cơ bản được phân theo vùng cộng với 1,3  - 1,5 triệu đồng/tháng làm thêm giờ và trợ cấp hỗ trợ, rất nhiều NLĐ đang sống khó khăn. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017 cho thấy, thu nhập của NLĐ không đủ để trang trải mức sống tối thiểu cho cá nhân và gia đình. Mức chi tiêu tối thiểu của cá nhân NLĐ trung bình là 3,86 triệu đồng/người/tháng và của hộ gia đình 4 người là 9,072 triệu đồng/tháng. “Tính trung bình chỉ có 16,1% NLĐ có tiết kiệm; 51,3% đủ trang trải cho cuộc sống; 20,6% NLĐ phải chi tiêu tằn tiện; 12% NLĐ thu nhập không đủ sống và họ phải làm thêm những công việc khác ngoài DN” - ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Phải cải thiện năng suất lao động
Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng 3 – nơi có nhiều DN và NLĐ mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Trong khi theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Vì thế, ông Quảng cho rằng, dưới góc độ pháp chế, cơ quan nhà nước không tuân thủ quy định của pháp luật, hoặc nếu luật chưa đi vào thực tế thì phải sửa. Cũng như đưa ra lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu. Đồng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Hữu Dũng có cái nhìn tổng thể: Tiền lương tối thiểu không đủ sống kể cả khu vực DN và hành chính sự nghiệp.
Bà Miranda Kwong – chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị tăng cường thương lượng tập thể dựa trên tiền lương tối thiểu. Hội đồng Tiền lương quốc gia khi đàm phán tăng lương nên lưu ý đến NLĐ trình độ phổ thông có mức thu nhập thấp nhất. Đồng thời xem xét những người có thu nhập trên trung bình để làm căn cứ thỏa thuận tiền lương ở cấp cơ sở và quốc gia. Và để tăng NSLĐ, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm như sử dụng công nghệ tại nơi làm việc, có sáng kiến hay. Cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được thị trường lao động, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Bây giờ sức ép về cuộc sống rất lớn, nếu áp dụng mức lương tối thiểu như trước là không đúng. Hơn nữa, chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, chính sách tiền lương thấp buộc phải tăng lên. Nếu DN không tăng, áp lực sẽ rất lớn. Do đó cần có sự chia sẻ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội
Nguyễn Hữu Dũng