Nâng tầm giá trị gạo Việt trên trường quốc tế

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, điều này đòi hỏi ngành sản xuất lúa gạo cần phải tạo ra “cuộc cách mạng” về chất lượng để thương hiệu gạo Việt cất cánh. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp bách khi nước ta đã hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Thị trường ngày càng “khó tính”

Nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu không cao, tính cạnh canh yếu, bởi chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá trị thấp và xuất sang các thị trường truyền thống, không đòi hỏi cao về chất lượng.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo truyền thống.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng tốp đầu thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, mặc dù chất lượng hạt gạo thấp, nhưng hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán với mức giá cao hơn nhiều với các loại gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan thấp hơn gạo Việt Nam 42 USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại thấp hơn gạo Việt Nam 72 USD/tấn, gạo Pakistan thấp hơn gạo Việt Nam 67 USD/tấn… Đây là một bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng xuất khẩu của các DN Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo truyền thống khác, nhất là nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công thương) cho rằng, một trong những "nút thắt" quan trọng khiến giá thành sản xuất lúa gạo của Việt Nam tăng cao trong năm qua, đó là do giá thành một số vật tư đầu vào như phân bón tăng cao, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo của Việt Nam còn khá lớn, công nghệ chế biến còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ sản phẩm chế biến và chế biến sâu chưa nhiều. Cùng với đó, cơ cấu sản xuất lúa gạo còn những bất hợp lý. Diện tích và tỷ lệ gieo sạ lớn, trong khi năng suất, chất lượng không cao, gây tốn chi phí vật tư đầu vào.

“Thời gian gần đây, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Nếu hạt gạo Việt không nâng cao chất lượng sẽ khó cạnh tranh được trên trường quốc tế, thậm chí thua ngay trên sân nhà” – TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa nêu quan điểm.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cho rằng, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta là Trung Quốc vừa mới áp dụng Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, trong đó có gạo, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… chắc chắn sẽ là thách thức nếu DN muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Đối với thị trường EU, ngoài những khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu theo quy định của EU, các DN xuất khẩu gạo sang EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết. Vì thực tế có những DN xuất khẩu gạo chất lượng cao sang EU thời gian qua chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì, như tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học; phương pháp sản xuất; xuất xứ; khối lượng tịnh; tên người bán ở EU (tên DN và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU); bao bì phải có số phê duyệt của EU; ghi rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng…

Là một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu gạo, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, để chinh phục thị trường EU, gạo phải đáp ứng 3 yêu cầu chính là có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuẩn chuẩn; bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên 486 hoạt chất theo quy định của EU.

“Từ vụ Đông xuân 2019-2020 đến nay, Lộc Trời đã tổ chức thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững SRP (Sustainable Rice Platform) tại 2 tỉnh Ðồng Tháp và An Giang, được tổ chức Global GAP công bố mô hình đạt 100% tiêu chuẩn.

Tính đến thời điểm này, Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt 100 điểm SRP hoàn hảo trong hai năm liên tiếp 2020-2021” – ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chất lượng

Dự báo 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 thì sự bứt phá của các DN xuất khẩu gạo sẽ mang lại hy vọng cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo Hiệp định EVFTA, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, gồm 30.000 tấn gạo xát, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm... Nếu làm tốt có khả năng EU sẽ tăng lên từ 100 đến 200.000 tấn/năm, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ Euro. Như vậy các DN sẽ không bị áp lực phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo với khối lượng lớn, phẩm cấp và giá trị thấp sang các thị trường truyền thống dễ tính như Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Indonesia… mà chuyển hướng sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng xuất khẩu gạo. Với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao như EU, giá bán sẽ tăng cao, từ đó tạo ra bước phát triển bền vững và hiệu quả cho toàn ngành lúa gạo của Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên trường quốc tế, ngành lúa gạo cần cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, để giảm sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo tín hiệu thị trường. Chú trọng việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu nhằm ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân.

Cùng với đó, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu mặt hàng gạo phải tự xây dựng vị thế riêng cho mình. Cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACPP, HALAL hay BRC. Bên cạnh đó, việc đạt được các chứng nhận tự nguyện phổ biến tại EU sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trƣờng này. Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo thấp cấp.

Mặt khác, cần chú trọng đầu tư phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị người châu Âu như bánh cuốn, gạo lứt, cơm đóng hộp... cũng như các sản phẩm chế biến hữu cơ, sản phẩm được chứng nhận Halal để mở rộng các phân khúc thị trường xuất khẩu mới khu vực Trung Đông, châu Phi còn nhiều tiềm năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần