Tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp
Từ nhiều năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh. Theo đó, từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố giai đoạn 2012 - 2016. Việc thực hiện đề án đã giúp Hà Nội hình thành nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh, góp phần tạo giá trị gia tăng rất lớn cho ngành nông nghiệp.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện toàn thành phố có 8.000ha hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được trồng tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hà Nội có 61 cơ sở ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm công nghệ cao trong quá trình sản xuất hoa, với tổng diện tích 122,5ha; khoảng 77,3ha trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới.
Điển hình về phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái của Hà Nội đó là Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ: Hồng Vân đã lựa chọn trồng hoa, cây cảnh là hướng phát triển đột phá trên cơ sở tận dụng thế mạnh từ vùng bãi. Theo đó, xã đã đa dạng các vườn hoa theo mùa gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm độc đáo, thu hút đông đảo du khách.
Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND TP Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề. Năm 2023, mô hình du lịch nông thôn của xã Hồng Vân cũng được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là những tiền đề quan trọng để địa phương hiện thực hóa mục tiêu phát triển loại hình du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hay tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), với việc được công nhận là Điểm du lịch và Làng nghề hoa giấy, địa phương này đang tập trung đầu tư phát triển, khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu và cơ bản hoàn thành các tiêu chí thành lập phường.
Tuy vậy, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù trên địa bàn thành phố đã hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa nhưng công nghệ mới chỉ chủ yếu là nhà màng, nhà lưới, chưa nhiều nhà kính kết hợp tưới nước tiết kiệm, điều khiển nhiệt độ, độ ẩm... Đa số mô hình có quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, chưa tạo ra những vùng hoa thương hiệu. Số làng nghề hoa, cây cảnh được công nhận là điểm du lịch còn khiêm tốn.
Xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay, cây hoa được coi là cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô. Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, quy hoạch nông nghiệp của thành phố Hà Nội đang đi đúng xu thế là phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Theo đó, trồng hoa, cây cảnh là hướng phát triển phù hợp với Hà Nội hiện nay.
Phát triển hoa, cây cảnh không chỉ tạo không gian du lịch, tạo điểm nhấn, mà còn là ngành kinh tế có thu nhập tiền tỷ. Đơn cử như nghề trồng đào, quất ở phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), bên cạnh giá trị kinh tế cao, còn tạo ra những sản phẩm mang tính văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Hay như sen Tây Hồ, là loài hoa đặc trưng, tạo ra sản phẩm trà sen rất giá trị. Câu chuyện ở đây chính là kết nối kinh tế - văn hóa, tạo không gian xanh, đặc trưng cho Thủ đô từ nhóm hoa, cây cảnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp hiện nay, Hà Nội đặc biệt việc phát triển các vùng hoa, cây cảnh. Đây cũng là mô hình được rất nhiều đô thị, thủ đô lớn trên thế giới xây dựng.
Để khắc phục hạn chế trong hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển nhóm cây trồng này, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Thành phố sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học để lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển hoa, cây cảnh. Theo đó, ngoài những nhóm cây, hoa chính như: đào, quất, hoa hồng, hoa lan, cúc… cần mở rộng, đa dạng về giống hoa, cây cảnh khác. Việc phát triển các loại hoa, cây cảnh cần phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay: ngành nông nghiệp tiếp tục đưa giống hoa, cây cảnh mới, chất lượng cao vào sản xuất, hình thành các vùng hoa mới tại vùng bãi ven sông. Song song đó, tăng cường liên kết hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái; duy trì thương hiệu, nhãn hiệu vùng hoa truyền thống.
Ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh. Dự kiến đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 9.000ha. Ngoài các vùng hoa truyền thống hiện nay, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây.