Nâng tầm nông - thủy sản Việt: Thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, để nâng tầm nông - thủy sản Việt, cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân.

 

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện lãnh đạo TP HCM và các tỉnh - thành ĐBSCL: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, cùng nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng nông sản, thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt". 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt". 

Câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" 

Đóng góp tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ ra những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp có qui mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thói quen của người nông dân sản xuất tự phát không dựa vào nhu cầu của thị trường, vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó có thể giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, đa số nông dân chỉ quan tâm sản xuất chưa chú trọng đến việc xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistic khu vực ĐBSCL chưa phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản, thậm chí câu chuyện giải cứu nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhìn chung, vấn đề lớn của hàng hóa nông, thuỷ sản của Việt Nam hiện nay là làm thế nào hàng Việt Nam có thể sống được với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các nước xung quanh, nhất là Thái lan.

Bên cạnh đó, nông dân gắn kết với doanh nghiệp rất lỏng lẻo, 2 liên kết này hiện nay còn nhiều việc phải cải thiện; hàng nông sản không đồng đều về chất lượng nên sản phẩm đi ra từ doanh nghiệp không được nổi tiếng; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến nhãn hiệu và thương hiệu.

Câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" của nông - thủy sản luôn tái diễn. 
Câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" của nông - thủy sản luôn tái diễn. 

Tìm giải pháp nâng tầm nông - thủy sản Việt

Đề xuất giải pháp nâng tầm uy tín của nông sản, thuỷ sản Việt Nam, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần tính toán sản phẩm OCOP nào thật sự đại diện cho địa phương, cần phải đánh mạnh không chỉ trong nước mà ở thị trường nước ngoài. Ở cấp quốc gia thì xác định loại giống nào, mô hình sản xuất nào, cần xác định giống gì, con gì để đẩy mạnh.

Đồng thời, cần bớt hóa học để đẩy mạnh hữu cơ, vi sinh và sinh học để giữ vững chất lượng nguyên liệu đó để doanh nghiệp hợp đồng với nông dân có nguyên liệu tốt. Khi nhà nước cam kết về phát thải khí nhà kính thì sản xuất cũng phải theo hướng này. 

"Phải cải thiện hoạt động marketing để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở nước ta, chỗ nào có gì, cần gì và xuất đi đâu?", GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Trước bài toán giá thành, sản lượng, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) hiến kế các doanh nghiệp nên tập trung triển khai các biện pháp như: chủ động, tìm kiếm, cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và gia công xuất khẩu cho các thị trường nhằm tận dụng năng lực chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

"Tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng.", ông Trương Đình Hòe nói.

Về xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL, ông Trương Đình Hòe cho rằng, các địa phương nên duy trì và phát triển năng lực sản xuất nguyên liệu; phát triển hệ thống logistics. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển các trung tâm giao dịch thủy sản, các chợ đầu mối thủy sản tại các vùng nguyên liệu, các kho lạnh thương mại trong khu vực.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động logistic nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Khuyến khích đầu tư các cơ sở cung ứng và phân phối vật tư cho nghề nuôi thủy sản; tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, trong đó các trung tâm nghiên cứu khoa học rất cần thiết.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, câu chuyện giải cứu 1 kg xoài bằng 1 kg trà đá; bưởi Bến Tre mới xuất khẩu được giá trên 100.000 đồng/kg, đùng cái còn mấy chục ngàn đồng/kg, bà con loay hoay đốn bưởi để trồng sầu riêng… vẫn đang diễn ra. 

Nền nông nghiệp đa phần còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và không phải lúc nào liên kết với nông dân cũng suông sẻ. Do sản xuất manh mún nên chất lượng không đồng đều, sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, tự phát nên xung đột, cạnh tranh lẫn nhau.

Để nâng tầm nông - thủy sản Việt, Bộ trưởng đề nghị: "Chúng ta nên nghĩ ngược lại và làm khác đi, chuyển từ tư duy chính thức sang tư duy phi chính thức. Cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân."

"Tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Tôi mong rằng mỗi doanh nghiệp ở ĐBSCL cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài. Hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thuỷ sản thật sự phải trở thành một hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng.", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần