Cà Mau không xa nữa
Mặc dù còn nhiều thách thức khó khăn, nhưng du lịch Cà Mau đang đứng trước thời cơ vươn mình là địa phương có mũi nhọn kinh tế từ du lịch. Nhiều năm trước, Cà Mau với hệ thống sông ngòi chằng chịt bật nhất cả nước, nên đầu tư phát triển giao thông luôn khó khăn trong thời gian dài.
Để đi từ TP HCM đến Cà Mau phải mất cả ngày và đêm. Thế nhưng, hiện nay chỉ còn từ 5 - 6 tiếng đi ô tô. Sắp tới, khoảng cách này sẽ còn rút ngắn hơn khi đường cao tốc nối đến Cà Mau hoàn thành, tạo cú hích không nhỏ cho du lịch tỉnh này.
Cuối năm 2023, khi làm việc với Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ này, phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận Mũi Cà Mau, thay vì chỉ tới TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay. Phải làm bằng được đường băng để máy bay lớn có thể hạ xuống Sân bay Cà Mau sớm nhất có thể, khi nào đông khách hơn thì sẽ mở rộng nhà ga.”
Theo đó, Thủ tướng đã chấp thuận các kiến nghị hỗ trợ Cà Mau rút ngắn khoảng cách với các trung tâm lớn của cả nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho tỉnh: Kéo dài tuyến cao tốc Bắc - Nam thông tuyến tới tận Mũi Cà Mau; xem xét, thực hiện đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo quy hoạch. Như vậy, việc Sân bay Cà Mau kéo dài thêm 2,5 km về hướng Tân Thành sẽ là còn là cú hích lớn để đô thị - du lịch của Cà Mau phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn; đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch. Hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Ðất Mũi) và hướng Ðông - Tây (Tân Thuận - Sông Ðốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (TP Cà Mau, Năm Căn, Sông Ðốc, Tân Thuận, Ðất Mũi).
Từ những cơ sở trên có thể thấy Cà Mau đã và đang phát triển giao thông, vị trí địa lý đã được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi để được kết nối du lịch Việt Nam và thế giới.
Cú hích về chủ trương
Năm 2023, HÐND tỉnh đã đồng ý ban hành nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Trong quy hoạch tầm nhìn chiến lược lâu dài, Cà Mau hướng tới phát huy lợi thế và nét đặc trưng riêng, đặc biệt quan tâm hướng kết nối Mũi Cà Mau với khu vực Hòn Khoai, Phú Quốc, Côn Ðảo... nhằm phát huy kinh tế biển, du lịch biển.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: “Tỉnh cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong, ngoài nước và luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững trong thời gian tới theo đúng quy định.”
Theo kịp những chủ trương đó, các dự án du lịch trọng điểm của Cà Mau đang trong giai đoạn mời gọi nhà đầu tư chiến lược. Trong đó nhiều dự án lớn mang rất nhiều kỳ vọng như: Khu Du lịch đầm Thị Tường; du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ; du lịch Hòn Khoai, hòn Ðá Bạc... Ðây đều là những tài nguyên du lịch đắc địa của Cà Mau, nếu được đầu tư, khai thác đúng mức sẽ mang lại hiệu ứng tăng trưởng du lịch rất lớn.
Định hình theo hướng đi riêng
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện tại du lịch Cà Mau chưa được đánh giá đúng để khai thác, phát huy thúc đẩy tăng trưởng. Với góc nhìn của nhà tổ chức du lịch, ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty Vietravel Cà Mau cho rằng:“Với việc quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch theo vùng - trục, tiểu vùng, gắn với thế mạnh nổi trội, khác biệt, du lịch Cà Mau sẽ có bước tiến xa với sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách, doanh thu du lịch. Khi đó, sự quan tâm, nguồn lực xã hội dành cho du lịch sẽ tăng theo cấp số nhân, đó là một hiệu ứng hoàn toàn có thể dự báo được.” Còn theo Thạc sỹ Phan Ðình Huê, chuyên gia du lịch ÐBSCL, du lịch Cà Mau nên tập trung vào loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái nhưng ở mức độ cao hơn, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của du khách.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông tin: “Cà Mau đã và đang chủ động ứng phó, xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát triển du lịch xanh trên nền tảng sản phẩm nông nghiệp sạch và phát triển nông nghiệp sạch để phục vụ, phát triển du lịch xanh. Bên cạnh đó, đưa ẩm thực Cà Mau trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, thu hút nhiều hơn du khách tới địa phương.”
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng: “Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, đồng thời khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của một tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, tỉnh ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch như: tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi, khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trải nghiệm đầm Thị Tường...”