Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO-Nga có thể đụng độ nếu Ukraine nhận được máy bay F-16, tên lửa ATACMS

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tướng về hưu Nga Evgeny Buzhinsky cảnh báo, việc phương Tây cung cấp  tên lửa chiến thuật (ATACMS), Taurus và máy bay F-16 cho Ukraine có nguy cơ dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa của Nga nhằm vào các mục tiêu NATO ở châu Âu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này đã phát tín hiệu rằng chính quyền Washington chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine hệ thống ATACMS mang bom chùm với tầm bắn khoảng 300 km.

Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS của Mỹ. Ảnh: mil.in.ua
Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS của Mỹ. Ảnh: mil.in.ua

“Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và chúng tôi đang xem xét đáp ứng những yêu cầu về việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev” - ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 4/10.

Trong khi đó, Đức cũng đang xem xét gửi tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn 500 km cho Ukraine. Trước đó, Anh và Pháp đã cung cấp cho Kiev tên lửa Storm Shadow/SCALP có tầm bắn 250 km. Lực lượng quân đội Ukraine mới đây đã sử dụng những tên lửa này để tấn công các cơ sở hạ tầng nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài Sputnik ngày 6/10, tướng Nga đã nghỉ hưu kiêm chuyên gia quân sự Evgeny Buzhinsky cảnh báo, hành động đi quá xa của phương Tây khi chuyển giao thêm hệ thống tên lửa tầm xa mới cho Ukraine có nguy cơ đẩy châu Âu và Mỹ trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hiện tại.

Tướng Buzhinsky nhận định: “Tôi cho rằng quân đội Nga có thể tấn công TP Rzeszów của Ba Lan - địa điểm quan trọng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nếu Kiev sử dụng các tên lửa ATACMS và Taurus tấn công sâu vào lãnh thổ của Moscow. Trong trường hợp này, Mỹ đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn, đó là đối đầu quân sự trực tiếp với Nga  hoặc bỏ mặc Ba Lan”.

Theo ông Buzhinsky, cho đến nay, Nga vẫn duy trì cách tiếp cận kiềm chế khi tiến hành các cuộc tấn công trả đũa đối với Ukraine. Quân đội Nga chủ yếu thực hiện các đợt không kích nhắm vào các nhà máy điện, một số cơ sở công nghiệp sản xuất hoặc sửa chữa thiết bị quân sự cũng như các căn cứ quân sự của Ukraine. Tướng về hưu Nga cho biết phần lớn các cây cầu, đường hầm và cơ sở hạ tầng khác của Ukraine vẫn còn nguyên vẹn.

Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS sẽ tăng cường hơn nữa khả năng tầm xa của Ukraine. Kiev đã nhiều lần yêu cầu Washington cung cấp loại tên lửa này.

Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn thận trọng trong việc cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine. Mỹ lo ngại các loại vũ khí sát thương cao sẽ được Ukraine sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga - diễn biến có thể khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Nga nhiều lần cảnh báo đáp trả thích hợp nếu Mỹ gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine. Theo ông Konstantin Gavrilov - người đứng đầu phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, Moscow sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu Washington chuyển giao tên lửa ATACMS cho Kiev.

Tại sao việc cung cấp F-16 cho Kiev khiến xung đột leo thang?

Theo chuyên gia quân sự Nga Buzhinsky, việc gửi máy bay F-16 đến Ukraine cũng có thể làm leo thang cuộc xung đột hiện tại vì những máy bay chiến đấu loại này gần như chắc chắn sẽ phải đóng trên lãnh thổ NATO.

 Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tháng 9 vừa qua đã chính thức tuyên bố bắt đầu đào tạo phi công F-16 cho Ukraine. Ảnh: AP
 Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tháng 9 vừa qua đã chính thức tuyên bố bắt đầu đào tạo phi công F-16 cho Ukraine. Ảnh: AP

Ông lưu ý: "Theo quan điểm của tôi, việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là hành động mạo hiểm của Mỹ. Bởi lẽ Kiev hiện chưa có sân bay phù hợp để triển khai máy bay chiến đấu của phương Tây, đặc biệt là F-16. Ngoài ra, Ukraine cũng thiếu cơ sở hạ tầng hậu cần và bảo trì cho loại máy bay chiến đấu hiện đại này. Tôi cho rằng Ukraine sẽ không thể xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, nhiều khả năng máy bay F-16 sẽ được triển khai trên lãnh thổ Ba Lan hoặc Romania".

Vị tướng Nga nói thêm rằng, theo luật pháp quốc tế, nếu máy bay F-16 cất cánh từ sân bay của Ba Lan hoặc Romania thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, chắc chắn hai nước thành viên NATO này sẽ tham gia vào cuộc xung đột quân sự với Nga.

Trong khi đó, điều 5 của hiệp ước NATO quy định “một cuộc tấn công chống lại một hay một số thành viên đều bị xem là cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh”.

Cuối tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức tuyên bố bắt đầu đào tạo phi công F-16 cho Ukraine. NATO cam kết sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho quân đội Ukrain trong năm 2024. Tuy nhiên, các tướng Mỹ cảnh báo rằng máy bay F-16 sẽ không phải là “viên đạn bạc” cho lực lượng không quân Ukraine và loại vũ khí này khó có thể tác động đáng kể đến xung đột hiện tại.