70 năm giải phóng Thủ đô

Nên dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày gần đây, việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đã nhận được sự đồng tình của người dân cũng như các cấp chính quyền.

Nên dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy - Ảnh 1Tại Hà Nội, địa phương có số lượng xe máy nhiều nhất nhì cả nước nên việc dừng thu phí đường bộ với xe máy liệu có ảnh hưởng đến công tác duy tu, duy trì hạ tầng giao thông. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Hà Nội.

Xin ông cho biết, hai năm qua tình hình thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ xe máy trên địa bàn Hà Nội được triển khai như thế nào? Trong quá trình triển khai có gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

- Thực hiện Thông tư 197 của Bộ Tài chính về việc thu phí đường bộ, TP Hà Nội là một trong những địa phương triển khai chậm về công tác thu phí đường bộ so với các tỉnh, thành khác. Việc thu phí xe máy bắt đầu triển khai tại Hà Nội từ năm 2013 nhưng đến năm 2014 số tiền thu phí lại giảm. Cụ thể, năm 2013 thu phí bảo trì đường bộ từ xe máy được 55 tỷ đồng đạt khoảng 18% so với kế hoạch đặt ra; Năm 2014, thu được 36 tỷ đồng đạt được 8% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2015, tuy chưa thống kê nhưng qua báo cáo sơ bộ thu phí đạt tỷ lệ rất thấp.

Việc thu phí xe máy không đủ theo yêu cầu đề ra có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là tuy số lượng xe máy Hà Nội rất lớn (khoảng 4 triệu xe - PV) nhưng lực lượng thu phí không chuyên trách. Tiếp đến là trong quá trình tổ chức triển khai cũng có những khó khăn từ việc kiểm soát những đối tượng có đóng phí bảo trì đường bộ đối và những đối tượng không nộp phí bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó còn có những bất cập như là hóa đơn thu phí từ người dân không giữ được lâu… Tất cả những yếu tố đó gộp lại tạo nên khó khăn trong việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Hiện, nguồn thu quỹ bảo trì đường bộ xe máy được dùng vào những việc gì? Và nếu sắp tới Hà Nội kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy thì có ảnh hưởng đến công tác duy tu, duy trì hệ thống đường bộ không, thưa ông?

- Việc duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường bộ trên địa bàn TP có với một khối lượng rất nhiều. Hàng năm, chỉ với công tác duy tu, duy trì đã tốn hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể hệ thống chiếu sáng để phục vụ cho giao thông mà tiền điện cũng như bảo trì hệ thống chiếu sáng là rất lớn. Bỏ riêng cả phần cây xanh trên các tuyến giao thông nữa thì có thể nói kinh phí dành cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ tại Hà Nội không hề nhỏ. Vì vậy, số lượng thu từ phí bảo trì đường bộ so với nhu cầu chi thực tế trên địa bàn Hà Nội không đáng kể, có thể nói là rất thấp. Số liệu thống kê cho thấy, số tiền thu phí đường bộ đối với xe máy chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu (chưa tính đến tiền duy trì hệ thống chiếu sáng, cây xanh...)

Đang có nhiều ý kiến của cử tri đề nghị TP Hà Nội kiến nghị tạm dừng thu phí đường bộ đối với xe máy. Ông có thể cho biết ý kiến từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước?

- Tôi cho rằng tỷ lệ thu phí đường bộ xe máy không lớn so với tổng ngân sách đầu tư cho công tác bảo trì. Hơn nữa, đối tượng sử dụng xe máy hầu hết là người dân nghèo mà việc quản lý và các chế tài đi kèm với xử phạt đối với những người đóng hay không đóng với quỹ bảo trì đường bộ đối với xe máy còn khó khăn, bất cập. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi nên dừng không thu phí đối với xe máy.

Trong trường hợp dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy tại Hà Nội, liệu những người dân đã đóng phí có được hoàn trả không?

- Câu chuyện này thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội, vì cơ quan này đã có nghị quyết triển khai việc thu phí đường bộ xe máy cũng như quy định mức thu phí. Nếu như sau này, Chính phủ đồng ý dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy thì đương nhiên HĐND TP Hà Nội phải có nghị quyết dừng thu phí.

Xin cảm ơn ông!