Nên hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để DN Việt Nam có thể cạnh tranh với DN nước ngoài khi TPP được ký kết đòi hỏi Nhà nước nên có sự hỗ trợ DN, đặc biệt là những DN sản xuất các sản phẩm chủ lực.

Ông Nguyễn Hồng Phong (trái) giới thiệu với các đại biểu T.Ư và tỉnh Thanh Hóa về các sản phẩm của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông.
Ông Nguyễn Hồng Phong (trái) giới thiệu với các đại biểu T.Ư và tỉnh Thanh Hóa về các sản phẩm của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cũng cần đẩy mạnh liên kết… Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Phong - Chủ tịch Hội DN trẻ Thanh Hóa; Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức khi gia nhập TPP, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Nông nghiệp là một ngành thế mạnh của Việt Nam, khi TPP được thông qua, cơ hội cho các DN trong nước nói chung và đối với DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản là rất lớn. Bởi đây là cơ hội để các DN có thể tiếp cận thị trường rộng mở hơn, cơ hội xuất khẩu ra thế giới nhiều hơn, nhất là các nước trong TPP, các mặt hàng có cơ hội trở thành thương hiệu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng có nhiều thách thức lớn, bởi các nước phát triển họ đã áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật cao vào trong nông nghiệp từ rất lâu nên chi phí giảm, giá thành sản phẩm hạ, điều đó tạo ra sự cạnh tranh với sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất.

Vậy theo ông, các DN nên có biện pháp gì để hạn chế nhược điểm và phát huy thế mạnh vốn có?

- Trước hết, Nhà nước cần thống kê những DN, ngành hàng yếu thế để hỗ trợ vào từng ngành cụ thể, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, giúp DN ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ, có tính cạnh tranh cao cùng với các sản phẩm nước ngoài sản xuất, từ đó tạo cơ sở để DN Việt Nam hội nhập với thế giới, nâng cao sức cạnh tranh cho DN Việt. Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta áp dụng được tiến bộ, làm ra những sản phẩm thế giới cần, trong đó có sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam… thì khi gia nhập TPP sẽ cạnh tranh được với sản phẩm của các nước khác.

Tôi muốn nhấn mạnh, DN cần chủ động, nhanh chóng tiếp cận và hội nhập, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời bản thân mỗi DN phải tự hoàn thiện mình, mới mong thành công khi hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của DN nước ngoài ngay trên sân nhà và giữa các DN trong nước với nhau. Điều này đòi hỏi các DN phải tự đổi mới và biết tạo thành chuỗi liên kết với nhau để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh thì mới mong thành công trên sân chơi lớn thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần