Nepal - nơi bắt đầu hành trình mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tuần sau vụ động đất kinh hoàng tại Nepal, số người thiệt mạng đã vượt quá 7.000, hơn 14.000 người bị thương trong khi cuộc khủng hoảng nhân đạo đang đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của chính quyền sở tại và cộng đồng quốc tế.

Một ngôi chùa ở Bhaktapur bị phá hủy gần như hoàn toàn sau trận động đất. 	Ảnh: AP
Một ngôi chùa ở Bhaktapur bị phá hủy gần như hoàn toàn sau trận động đất. Ảnh: AP
Sau khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài trong 10 năm (1996 – 2006) khiến 15.000 thiệt mạng, Chính phủ Nepal đã cố gắng để tái thiết đất nước. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra trong trận động đất, cộng đồng quốc tế có lý do để quan ngại về sự hòa hợp sắc tộc cũng như sự đoàn kết của các chính đảng lớn. Trong lúc hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế lớn nhanh chóng có mặt tại Nepal để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn, sự chậm trễ trong hành động khắc phục hậu quả của vụ động đất khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Thực ra, tình trạng chia rẽ trong nội bộ Nepal hiện nay đã từng xảy ra sau trận động đất ở Haiti hay trận sóng thần ở Sri Lanka trước đây khi những cộng đồng thiểu số yếu thế hơn trong việc tiếp cận nguồn viện trợ. Ở một quốc gia có tới 126 dân tộc với 123 ngôn ngữ khác nhau, sự hòa hợp và tương trợ lẫn nhau trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay của cuộc khủng hoảng nhân đạo là điều khó có thể thực hiện được. Dù đến nay, hình ảnh người dân Nepal chung tay giúp nhau vượt qua hoạn nạn được chia sẻ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân tại những vùng sâu, vùng xa phải nghĩ ra nhiều cách để gửi thông điệp kêu cứu tới cộng đồng quốc tế.

Nepal sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn vào những tuần tới và hơn 3,2 triệu phụ nữ, trẻ em tại đây vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong tình cảnh hiện nay. Theo thống kê của UN Women, ít nhất 126.000 phụ nữ mang thai cần phải được chăm sóc đặc biệt, ngoài ra, khoảng 40.000 phụ nữ đang sống trong 16 khu lều trại tập trung ở thung lũng Kathmandu phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và bạo hành.

Ngoài vấn đề liên quan đến hòa hợp dân tộc, sự sụp đổ của những ngôi chùa, tòa tháp cổ đã nhân lên nỗi tuyệt vọng của người dân Nepal – quốc gia được mệnh danh là vùng đất của tâm linh. Thung lũng Kathmandu – trung tâm văn hóa tín ngưỡng của Nepal với 7 công trình đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới giờ chỉ còn là đống đổ nát. Với người dân Nepal, 68 di sản văn hóa bị sụp đổ, hư hại là một mất mát không thể mô tả, bởi với họ đó là những công trình nhắc nhớ về quá khứ của dân tộc.

Đây cũng là mất mát lớn của nhân loại bởi những công trình này được ví như các bảo tàng mở về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của Nepal. Hàng năm, những tín đồ Hindu, phật giáo và du khách trên toàn thế giới đều thực hiện các cuộc hành hương hoặc tìm đến đây để được chiêm ngưỡng những công trình nổi tiếng này. Người dân trong khu vực cũng có lý do để lo sợ về tương lai bởi nếu không có di sản, du khách sẽ chẳng buồn tới Kathmandu. Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đã khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực xây dựng lại tất cả các công trình lịch sử, văn hóa và tôn giáo bị hư hại nhưng ở một quốc gia còn đang phải vật lộn với đói nghèo, không rõ đến bao giờ, cam kết này mới trở thành hiện thực.

Sẽ rất khó để liệt kê ra những thiệt hại ngắn hạn và lâu dài của Nepal trong lúc này bởi nỗ lực cứu hộ, cứu nạn, ổn định cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng bị phá hủy. Tuy nhiên, giống như tỉnh Aceh của Indonesia hồi sinh thần kỳ sau thảm họa sóng thần năm 2004, chính quyền Nepal có thể coi trận động đất này như điểm khởi đầu cho tiến trình hòa hợp dân tộc, đoàn kết và chung tay vì mục tiêu chung: Tái thiết đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần