Hoài niệm Tết Trung thu xưa
Trung thu ngày xưa ở Hà Nội giản dị nhưng không khí rộn rã vô cùng. Ngày đó, cuộc sống vất vả nhưng nhà nào cũng háo hức, đặc biệt trẻ con luôn chờ đợi Tết Trung thu.
“Từ mồng một tháng 8 âm lịch là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng trong phố đều đã biến thành những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu bằng giấy. Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân…” - cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) viết trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”.
Phố cổ Hà Nội không chỉ nổi tiếng là khu phố quý tộc, tấp nập buôn bán mà còn là nơi diễn ra lễ hội Trung thu truyền thống. Mỗi con phố có một nét đặc trưng và mang dáng vẻ của một Hà Nội lịch lãm, hào hoa.
Nói tới Trung thu truyền thống, người dân Hà thành ai cũng biết đến sự khéo tay và tinh tế của người dân Hàng Mã làm ra những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời tuyệt đẹp. Phố Hàng Trống lại tưng bừng trong tiếng trống ếch, trống quân.
Không có bánh Trung thu ở đâu có thể sánh được với bánh do chính tay của những người thợ bánh Hàng Đường, Hàng Buồm làm ra. Phố Hàng Gai chuyên buôn bán giấy. Hằng năm, cứ đến Tết Trung thu, những tiểu thư con nhà giàu trên phố Hàng Gai lại “khoe” sự khéo léo trong việc trang trí và bày biện những mâm cỗ trên vỉa hè.
Từ xa xưa, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng mỗi gia đình đều cố gắng có được mâm cỗ Trung thu. Trong mâm cỗ đêm rằm tháng Tám, mỗi nhà có cách chuẩn bị khác nhau, quan trọng nhất là các loại quả như hồng ngâm, na, bưởi, quít, chuối, cốm là những thứ không thể thiếu.
Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen. Và còn phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, trong mâm cỗ Trung thu của người Hà Nội còn có đĩa ốc hấp lá gừng để các cụ ông ngồi nhắm rượu, thưởng trăng và ngắm hoa quỳnh nở. Người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương Cự Đà (xã Cự Đà, huyện Thanh Oai) pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Món ốc hấp lá gừng và gỏi cá thường được thưởng thức với rượu Mai Quế Lộ.
Nhưng các món này chỉ được dọn ra hạn chế, tùy gia đình. Ngày xưa cách người cao tuổi ngắm trăng cũng khác. Người ta lấy cái chậu thau đồng thật lớn, đổ đầy nước đặt trên cái bàn trước sân. Các cụ ngắm trăng trong chậu, từ khi trăng mới mọc in một phần bóng đến lúc trăng lên giữa đỉnh đầu tròn xoe trong đáy chậu là lúc bọn trẻ con rước đèn chơi trăng.
Nhà văn Băng Sơn từng kể: Tết Trung thu ở Hà Nội rộn rã và tưng bừng! Có cỗ, có đèn, trống, bánh Trung thu, những con giống… nhưng ngần đó vẫn chưa đủ, phải có thêm cả những màn múa lân, múa sư tử hoành tráng. Buổi tối Trung thu, những tay chơi ở Hà Nội tập hợp lại và tổ chức các đám múa lân, múa sư tử. Trẻ em (không phân biệt giàu - nghèo nhưng đa số là trẻ em con nhà nghèo) rất náo nức và thích thú theo các đoàn múa lân, múa sư tử đi biểu diễn khắp các tuyến phố của Hà Nội và đến tận khuya mới giải tán.
Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
Ngày nay, phong tục tết Trung Thu không bị mất nhưng thú chơi Tết Trung Thu cũng đã có nhiều sự thay đổi. Trên các con phố của Hà Nội, người ta vẫn thấy không khí mua bán nhộn nhịp, nhưng gia đình hiện đại không còn dành nhiều thời gian chuẩn bị những mâm cỗ trong đêm rằm, nếu có thì cũng không đầy đủ hương vị của Tết Trung thu. Trẻ nhỏ thì “ngại” ra đường, có rất ít thiếu nhi chạy theo xem múa lân, múa sư tử khắp phố phường.
Tuy nhiên ở Hà Nội, vẫn có những người thợ cần mẫn làm nên những món đồ chơi Trung thu truyền thống như: nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Vân Canh, Hoài Đức) làm tiến sĩ giấy phục vụ Trung thu; nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (Cao Viên, Thanh Oai) làm đèn kéo quân; nghệ nhân Đặng Văn Hậu (Phượng Dực, Phú Xuyên) làm con giống bột … góp phần lưu giữ nét tinh hoa cho Hà Nội.
Nhờ thế, hằng năm vào dịp Trung Thu, đồ chơi truyền thống không bị lấn át hoàn toàn bởi đồ chơi ngoại nhập. Với nhiều nỗ lực giữ gìn, Tết Trung thu của Hà Nội đang dần trở về nét đẹp xưa và ngày càng có ý nghĩa hơn.
Được tổ chức lần đâu tiên vào năm 2016 đến nay, chương trình Trung thu do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tạo ra một sân chơi để thiếu nhi và du khách có những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa, Tết Trung thu.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian tuổi thơ với những món đồ chơi cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm tương tác bổ ích cho các em nhỏ như làm đèn Trung thu (đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù), làm bánh Trung thu, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, diều giấy và biểu diễn nghệ thuật múa sư tử đặc sắc.
Từ ngày 27 - 29/9 (tức 13 - 15/8 âm lịch) Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng tổ chức Lễ hội Trung thu 2023. Ban Tổ chức sẽ tạo khu trưng bày ngoài trời với các loại đồ chơi truyền thống: đầu lân sư, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con giống, trống ếch... rực rỡ sắc màu.
Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là cách Trung thu thưởng nguyệt.
(Trích Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính)
Đặc biệt, Lễ hội Đêm rằm (diễn ra tối 15/8 âm lịch) sẽ có hoạt động diễu hành đường phố; liên hoan nhảy múa dân vũ, đồng dao thiếu nhi; phá cỗ trông trăng với mâm cỗ Trung thu chủ đề “Đêm hội đoàn viên”, hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm khó quên cho các em thiếu nhi và gia đình khi tham dự lễ hội.
Một lựa chọn khác với nhiều gia đình ở Hà Nội vào dịp Tết Trung thu là thời điểm sum vầy con cháu trong gia đình và cùng nhau sửa soạn một mâm cỗ Trung thu thật đẹp để đón trăng đêm rằm...