Ngay trước thềm năm mới, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã long trọng tổ chức khánh thành cổng làng mới. Cổng làng được khởi công xây dựng từ tháng 9/2012 với thiết kế độc đáo theo lối tam quan, trang trí hoa văn cổ kính, cân đối, màu sắc hài hoà tạo nên một diện mạo mới vừa hiện đại, vừa truyền thống cho làng quê. Ông Khuất Duy Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Minh Nghĩa cho biết, tổng kinh phí xây dựng công trình là 270 triệu đồng do các nhà tài trợ và nhân dân đóng góp. Ngoài ra, nhân dân trong thôn Minh Nghĩa còn đóng góp gần 1 tỷ đồng xây dựng bến ao, ghế đá, tôn tạo giếng cổ...
Xây dựng kè sông tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh Thắng Văn
Về thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng hôm nay, bộ mặt của làng quê nơi đây đã "thay da đổi thịt" hoàn toàn. Chạy giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, giữa những vườn cây xanh mướt là con đường bê tông mới được hoàn thiện. Có được diện mạo mới này phần lớn là nhờ vào sự đóng góp của bà con nhân dân. "Chỉ gần 2 tháng phát động, người dân trong thôn đã đóng góp tiền và 5.000 ngày công lao động, xây dựng được 31 ngõ, xóm với chiều dài 3.499m" - ông Nguyễn Văn Viên, Bí thư Chi bộ thôn La Thạch chia sẻ.
Theo UBND huyện Đan Phượng, tính đến ngày 31/12/2012, sau 2 tháng triển khai, huyện Đan Phượng đã xây dựng được 1.848 tuyến đường ngõ, xóm với chiều dài 131km, tổng kinh phí 184 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp ngày công trị giá 61 tỷ đồng và hiến trên 1.000m2 đất.
Dân biết, dân bàn, dân đóng góp
Đến nay, toàn TP đã có 161/401 xã cơ bản đạt 10 - 19 tiêu chí, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 62 xã đạt và cơ bản đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí. |
Nguồn lực trong nhân dân là rất lớn, song không phải địa phương nào cũng khơi được "mỏ vàng" ấy. Thực tế cho thấy, để thu hút được nguồn lực của nhân dân, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức có một tuyến kè sông Đáy bị xuống cấp, trên đó có gần 20 hộ dân sinh sống, nhiều hộ đã được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, nhờ linh hoạt vận động, xã đã thuyết phục được các hộ dân hiến hơn 500m2 đất ở để cứng hóa lại tuyến kè trên.
Chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực xây dựng NTM, nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền từ huyện tới xã, thôn, cụm dân cư. Trong đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thời gian. Mọi công việc được phổ biến và thảo luận, bàn bạc công khai, dân chủ. Do đó, được nhân dân đồng thuận và thống nhất rất cao, tham gia tích cực ủng hộ tiền, ngày công lao động, hiến đất...
Tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân mới đây, nhiều đại biểu chia sẻ, công tác tuyên truyền, vận động là khâu đột phá làm chuyển biến nhận thức và huy động sức dân. Đồng thời, thực hiện tốt nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi triển khai các công việc như xây dựng đường làng ngõ xóm, công trình phúc lợi, dồn điền đổi thửa... Từ đó, mới thu hút được sự tham gia tích cực của người dân.