Nếu có phương án phù hợp hơn, sẽ xem xét quyết định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn, nối với Hồ Gươm.

Theo lý giải của UBND TP, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ này nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân. Tuyến hầm cũng giúp các phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế UTGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện. Nếu được thông qua, dự án sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng. 

 
Hầm đường bộ Kim Liên khi được đưa vào sử dụng đã giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh  Bùi Tường.
Hầm đường bộ Kim Liên khi được đưa vào sử dụng đã giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh Bùi Tường.
Ngay sau khi quyết định xây hầm được ban hành, đã có nhiều ý kiến về việc này như vì sao không xây cầu vượt để giảm chi phí; xây hầm liệu có ảnh hưởng đến đê... Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn về vấn đề này. Theo ông Tuấn, hiện dự án chỉ đang được khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư. Người lập dự án sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu phương án tối ưu nhất, phù hợp nhất. Ông Tuấn cũng khẳng định, khi lập dự án, công việc đầu tiên mà đơn vị tư vấn sẽ phải xem xét, tính toán đó là chống nước chảy vào nội thành khi nước sông Hồng lên cao. Ngoài ra, trong quá trình lập dự án, Sở GTVT sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ NN&PTNT vì liên quan đến đê điều. Nếu thuận lợi, trong quý I/2014, Sở GTVT sẽ trình dự án lên UBND TP Hà Nội. 

Liên quan đến câu hỏi tại sao không phải là cầu vượt mà lại là hầm đường bộ, ông Tuấn cho biết trước đây cũng có kiến nghị làm cầu vượt, song sau một thời gian nghiên cứu thì thấy rằng, làm cầu vượt sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mỹ thuật, về địa hình… nên TP đã quyết định làm hầm xuyên đê. “Tuy nhiên, tất cả mới đang trong thời gian nghiên cứu và nếu có phương án nào hữu hiệu hơn, phù hợp hơn, chúng tôi sẽ xem xét quyết định sau” – ông Tuấn nhấn mạnh. Ngoài ra UBND TP đã giao Sở GTVT lập dự án nghiên cứu tổng thể cải tạo hành lang giao thông tuyến từ cầu Long Biên đến dốc Bác Cổ và cầu Vĩnh Tuy, Sở GTVT sẽ xem xét từng nút giao, từng vị trí cụ thể. Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm nối đường bộ từ Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn chỉ là một phần trong dự án tổng thể trên.

Theo các chuyên gia giao thông, nếu việc xây hầm được nghiên cứu thấu đáo, giải quyết được những câu hỏi trên thì việc triển khai các đường hầm từ nội thành ra ngoài các vùng đê là cần thiết tạo thuận lợi cho giao lưu đi lại thuận tiện cho người dân để giảm ùn tắc và TNGT. Thực tế Hà Nội đã có một hầm chui xuyên đê là hầm Vạn Kiếp - Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư đã và đang phát huy hiệu quả.