Trong bài trả lời phỏng vấn đài truyền hình Rossiya-24 TV hôm 14/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin khẳng định, các nước phương Tây cần phải cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Rosselkhozbank kết nối lại với hệ thống SWIFT nếu muốn hồi sinh Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, còn được gọi là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Quan chức này lưu ý thêm rằng các giải pháp tạm thời do Liên hợp quốc (LHQ) đề xuất mới đây không đem lại hiệu quả và không đáp ứng yêu cầu của Nga liên quan đến việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
“Nga cần Ngân hàng Nông nghiệp Quốc gia Rosselkhozbank được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để thực hiện thông suốt các giao dịch xuất khẩu nông sản và phân bón. Chúng tôi đã nêu rõ yêu cầu tiên quyết này trong các cuộc tham vấn về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Các giải pháp tạm thời do LHQ đưa ra gần đây không phải là giải pháp khả thi đối với Moscow” - Thứ trưởng Vershinin nói khi bình luận về đề xuất cho phép công ty con của Rosselkhozbank có trụ sở tại Luxemburg kết nối với SWIFT.
Ông Vershinin cũng nhấn mạnh thêm rằng chỉ khi điều kiện này được thực hiện, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn ngay lập tức đúng như tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vào tuần trước, tờ Bild đưa tin Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 28/8 đã gửi cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen vốn đã hết hạn từ tháng 7 năm nay.
Các đề xuất của Tổng thư ký LHQ gồm kết nối lại một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, thiết lập một nền tảng bảo hiểm, dỡ bỏ phong tỏa tài sản ở nước ngoài của các công ty sản xuất phân bón Nga và cho phép các tàu của Nga cập bến các cảng châu Âu.
Theo đề xuất của LHQ, chi nhánh của ngân hàng Nga Rosselkhozbank có trụ sở tại Luxembourg có thể ngay lập tức nộp đơn xin SWIFT để "truy cập một cách hiệu quả" vào hệ thống thanh toán toàn cầu này trong vòng 30 ngày.
Đổi lại, LHQ muốn Nga bảo đảm Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được nối lại ngay lập tức và đầy đủ.
Tuy nhiên, Nga hôm 9/9 đã bác bỏ đề xuất của Tổng thư ký LHQ về việc nối lại Sáng kiển Biển Đen, đồng thời khẳng định nước này giữ nguyên quan điểm về việc khôi phục thỏa thuận này.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 9/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Moscow chưa hài lòng với các đề xuất của phương Tây nhằm nối lại Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng Nga cần Ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, chứ không phải chi nhánh của ngân hàng này như đề xuất của Liên hợp quốc.
Theo quan chức Điện Kremlin, Nga duy trì lập trường có trách nhiệm, rõ ràng và nhất quán như Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần lên tiếng.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 13/9 cho biết ông đang nỗ lực hết sức để hồi sinh Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Ukraine.
Phát biểu tại buổi họp báo, người đứng đầu LHQ nói rằng ông đang lên kế hoạch gặp riêng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Tổng thư ký Guterres cho biết ông không có kế hoạch tổ chức cuộc họp chung với sự tham dự của đại diện cả 3 quốc gia trên.
Dự kiến, các cuộc gặp trên nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, diễn ra từ ngày 19-23/9 tại thành phố New York (Mỹ). Trong đó, phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Lavrov dẫn đầu.
LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến đạt được hồi tháng 7/2022, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và hết hiệu lực vào ngày 17/7 vừa qua.
Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận trên từ tháng 7 vừa qua và giải thích rằng phần liên quan đến Nga trong thỏa thuận đã không được thực hiện.