Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội hôm 27/4, Tổng thống Putin khẳng định Nga có tất cả các công cụ [vũ khí] cần thiết để thực hiện một cuộc phản ứng chớp nhoáng với các lực lượng bên ngoài can thiệp vào chiến dịch quân sự tại Ukraine, theo RT.
“Nếu ai đó quyết định can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine từ bên ngoài và gây ra các mối đe dọa chiến lược không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, thì họ nên biết rằng phản ứng của chúng tôi đối với những đòn tấn công sắp tới sẽ nhanh như chớp,” Tổng thống Putin giải thích.
“Chúng tôi có tất cả các công cụ để làm điều đó. Những công cụ mà không ai ngoại trừ chúng tôi có thể đem ra để khoe khoang, nhưng chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng nếu cần thiết,” ông Putin nói thêm, song không chỉ rõ “công cụ” nào có thể được triển khai.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, các nhà chức trách Nga đã đưa ra tất cả các quyết định cần thiết để chuẩn bị cho một phản ứng chớp nhoáng đã đề cập ở trên.
Cũng tại cuộc họp này, Tổng thống Putin nhấn mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine nhằm đảm bảo an ninh lâu dài cho vùng Donbass, bán đảo Crimea cũng như toàn bộ nước Nga. Ông khẳng định rằng tất cả các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chắc chắn sẽ được hoàn thành.
Vào tuần trước, Moscow đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới RS-28 Sarmat của mình. Đây là loại tên lửa tối tân có thể mang theo đầu đạn siêu thanh Avangard, được cho là có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện có.
Không giống như Nga, Mỹ và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) hiện không sở hữu vũ khí siêu thanh nào, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại.
Các quốc gia phương Tây đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không, xe bọc thép và pháo sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2. Họ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có nhằm gây sức ép với Moscow.
Tuy nhiên, cho đến nay, Washington và các đồng minh vẫn loại trừ việc triển khai lực lượng NATO tại Ukraine hay thiết lập vùng cấm bay đối với Ukraine do lo ngại về một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Moscow cũng đã nhiều lần chỉ trích và phản đối việc các nước phương Tây viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev, cho rằng việc này chỉ làm mất ổn định tình hình và cản trở triển vọng hòa bình.