Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga cảnh báo không đứng yên khi lợi ích quốc gia bị phớt lờ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này không mong muốn xảy ra chiến tranh nhưng sẽ không để các nước phương Tây “bỏ qua” những quan ngại về an ninh của Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Theo RT, trong bối cảnh căng thẳng đang tăng giữa Nga và Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định rằng Moscow không muốn chứng kiến một cuộc xung đột toàn diện nổ ra, nhưng cũng cảnh báo rằng họ sẽ không đứng yên khi phương Tây phớt lờ lợi ích của Nga.

Phát biểu với các cơ quan truyền thông trong buổi phỏng vấn ngày 28/1, Ngoại trưởng Lavrov đã bình luận về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh khi các vòng đàm phán gần đây về đề xuất an ninh giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết thúc trong bế tắc. “Nếu như để Nga quyết định, sẽ không có một cuộc chiến tranh nào cả. Chúng tôi không muốn xảy ra những cuộc chiến tranh”- Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, song nhấn mạnh rằng giới chức Nga “sẽ không cho phép lợi ích của nước này bị các nước phương Tây phớt lờ”.

Theo Bộ trưởng Lavrov, hồi đáp của Mỹ đối với những đề xuất an ninh của Nga “gần như là một mô hình ngoại giao lễ nghi”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngoại giao Nga nói rằng câu trả lời của NATO đối với yêu cầu an ninh từ Moscow “mang nặng tư tưởng hệ và thể hiện sứ mệnh đặc biệt của liên minh này”.

Ông Lavrov lưu ý thêm rằng nếu Mỹ không sẵn sàng xem xét lại quan điểm về các vấn đề an ninh từ Nga, chắc chắn Moscow cũng sẽ không sẵn sàng đưa ra bất kỳ sự thỏa hiệp nào đối với yêu cầu của Washington. "Nếu Mỹ khẳng định rằng sẽ không thay đổi quan điểm, Nga cũng sẽ giữ nguyên quan điểm của mình”, ông tuyên bố.

Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi Nga nhận được câu trả lời mà họ chờ đợi từ lâu liên quan tới đề xuất an ninh, trong đó có một đề xuất rằng Ukraine sẽ không được cho phép gia nhập NATO.

Trong ngày 27/1, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng “không có câu trả lời tích cực” đối với những quan ngại cốt lõi của Moscow trong văn bản mà Washington cung cấp cho họ sau các cuộc đàm phán an ninh cấp cao. “Chúng tôi khẳng định quan điểm rõ ràng là không chấp nhận NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông hay việc khối này triển khai những vũ khí có tính hủy diệt cao có thể đe dọa tới lãnh thổ của Liên bang Nga” – ông Lavrov nhấn mạnh.

Điện Kremlin cũng chỉ trích phản ứng của Mỹ, nói rằng những đề xuất của Moscow đã không được Washington và NATO xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán.

Trước đó, Mỹ và NATO hôm 26/1 đã gửi phản hồi chính thức về những đề xuất mà Nga đưa ra về vấn đề đảm bảo an ninh ở châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố yêu cầu NATO rút lực lượng khỏi Đông Âu và ngăn Ukraine gia nhập liên minh là không thể thực hiện, nhưng cho biết có thể sẽ thảo luận những yêu cầu khác như kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.

Trong phản hồi của NATO, thông điệp về vấn đề quyền theo đuổi tư cách thành viên của Ukraine cũng tương tự Mỹ. “NATO là một liên minh phòng thủ và chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, song chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về các giá trị mà liên minh của chúng tôi đã đặt ra”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đã gửi đến Mỹ đề xuất an ninh 8 điểm. Trong đó, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Căng thẳng bắt đầu từ hồi tháng 11/2021, khi phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 100.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh nước này. Tuy nhiên, Moscow bác cáo buộc và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ. Các cuộc hội đàm an ninh giữa Nga và Mỹ trong tháng này đã không thể xoa dịu căng thẳng, dù hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận.