Quân đội Nga ngày 19/7 đã đưa ra cảnh báo đối với các tàu di chuyển tới các cảng của Ukraine trên Biển Đen sau khi Moscow rút khỏi Sáng kiến Biển Đen, hay còn gọi là Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp Quốc (LHQ) làm trung gian.
"Với việc chấm dứt Sáng kiến Biển Đen và bãi bỏ hành lang nhân đạo trên biển, từ 0h ngày 20/7/2023 (giờ Moscow), tất cả tàu trên đường tới các cảng của Ukraine ở Biển Đen có thể bị coi là tàu chở hàng quân sự" – đài RT dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm 19/7.
Bộ này cũng tuyên bố một số khu vực trên Biển Đen "tạm thời bị coi là không an toàn" cho hoạt động hàng hải. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các khu vực này nằm ở phía Tây Bắc và Đông Nam của Biển Đen, đồng thời cho biết tất cả cảnh báo hàng hải cần thiết đã được công bố theo các thủ tục hiện hành.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, các quốc gia có cờ được treo trên tàu đến các cảng của Ukraine ở Biển Đen cũng có nguy cơ bị coi là bên tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine và Moscow sẽ coi các quốc gia này đứng về phía Kiev.
Cảnh báo trên được đưa ra hai ngày sau khi Nga chính thức rút khỏi Sáng kiến Biển Đen.
Trong hai ngày qua, Nga cũng tăng cường các cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái tự sát nhằm vào Ukraine.
Nga đã tấn công diện rộng vào các mục tiêu trong và xung quanh Odessa, thành phố cảng trọng điểm của Ukraine. Ngoài ra, Moscow cũng tấn công các kho chứa khoảng 70.000 tấn nhiên liệu của quân đội Ukraine ở thành phố Mykolayiv.
Vụ tập kích đáp trả diễn ra sau khi Nga cáo buộc Ukraine dùng 2 xuồng tự sát để tấn công cầu Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea. Vụ tấn công khiến 2 người thiệt mạng, một nhịp cầu bị xệ xuống, giao thông gián đoạn.
Nga gọi vụ tấn công cầu Crimea là "hành động khủng bố" và có sự hỗ trợ của Mỹ và Anh. Truyền thông phương Tây dẫn nguồn thạo tin nói rằng, vụ tấn công là chiến dịch đặc biệt của Cơ quan An ninh và Hải quân Ukraine. Tuy nhiên, Kiev không xác nhận cũng không phủ nhận cáo buộc.
Ông Putin nêu điều kiện quay trở lại Sáng kiến Biển Đen
Theo Tass, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/7 cho biết nước này sẵn sàng ngay lập tức quay trở lại Sáng kiến Biển Đen nếu tất cả các điều khoản và “bản chất nhân đạo” của thoả thuận được khôi phục.
Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ, ông Putin nói rằng các nước phương Tây đã bóp méo hoàn toàn bản chất của thỏa thuận ngũ cốc. Theo Tổng thống Nga, chính các công ty châu Âu đã thu được lợi nhuận từ thỏa thuận này, trong khi phía Nga lại chịu tổn thất.
Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý rằng thỏa thuận ngũ cốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân Nga. Theo ông Putin, nông dân Nga thiệt hại 1,2 tỷ USD do giá ngũ cốc của nước này giảm từ 30-40% trên thị trường toàn cầu.
Tổng thống Putin cho biết, các nhà sản xuất phân bón của Nga cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự khi thiệt hại của họ lên tới 1,6 tỷ USD.
Như vậy, để Nga quay trở lại tham gia Sáng kiến Biển Đen thì các điều kiện sau phải được thực hiện, bao gồm: gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; gỡ bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga cung cấp thực phẩm cho thị trường thế giới, bao gồm việc kết nối với SWIFT; nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; giải quyết tất cả các vấn đề về thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu thực phẩm của Nga; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thoả thuận ngũ cốc.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng bác bỏ tầm quan trọng toàn cầu của ngũ cốc Ukraine, coi điều này là suy đoán và sai lầm. Ông Putin lý giải: “Nga chiếm 20% thị phần lúa mì toàn cầu, trong khi Ukraine chiếm chưa đến 5%. Những con số này nói lên tất cả”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “chính Nga đã đóng góp to lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. “Bất kỳ tuyên bố nào cho rằng chỉ có ngũ cốc Ukraine mới cung cấp lương thực cho những người đói trên toàn thế giới là suy đoán và sai lầm” - ông nhấn mạnh thêm.
Ông Putin khẳng định, Nga sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine trên thị trường toàn cầu, cả về thương mại và miễn phí, nhất là khi Nga dự kiến có một vụ thu hoạch kỷ lục tiếp theo trong năm nay.
Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây cản trở việc cung cấp phân bón miễn phí của Nga cho các nước nghèo nhất. Theo ông Putin, trong số 262.000 tấn sản phẩm bị ngăn chặn tại các cảng châu Âu, chỉ có 2 lô được gửi đi, bao gồm 20.000 tấn đến Malawi và 34.000 tấn đến Kenya.
Tháng 7/2022, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc, còn được gọi là Sáng kiến Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Cho đến nay, thỏa thuận đã cho phép xuất khẩu gần 33 triệu tấn lương thực qua các cảng của Ukraine, theo dữ liệu của LHQ.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7. Theo Nga, thỏa thuận chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc thương mại từ Ukraine một cách hiệu quả, trong khi xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow vẫn bị phương Tây chặn lại. Nga cũng cáo buộc các nước giàu trục lợi từ phần lớn hàng xuất khẩu của Ukraine.