Biện pháp trừng phạt được Liên minh châu Âu (EU) và G7 áp đặt với kim cương của Nga đã có hiệu lực vào tháng trước, sau đó là các hạn chế dần dần đối với nhập khẩu gián tiếp từ ngày 1/3. Đến tháng 9/2024, một cơ chế theo dõi nhằm giúp chính quyền phương Tây xác định nguồn gốc của kim cương nhập khẩu vào khối cũng được lên kế hoạch.
Theo thông báo của Hội đồng châu Âu, EU đã bổ sung công ty khai thác mỏ khổng lồ Alrosa của Nga và Giám đốc điều hành Pavel Marinychev, vào danh sách trừng phạt từ tháng 1/2024. Alrosa hiện là nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, chiếm 95% thị phần tại Nga và 27,5% sản lượng kim cương toàn cầu.
Artyom Studennikov - người đứng đầu Vụ châu Âu thứ nhất thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin RIA Novosti hôm 11/2, Bỉ sẽ mất vị thế là trung tâm giao dịch kim cương toàn cầu do các lệnh cấm vận của phương Tây đối với kim cương của Nga.
Bỉ ban đầu đã phản đối nỗ lực của các đồng minh phương Tây trong việc áp trừng phạt với kim cương của Nga, cảnh báo rằng Antwerp – nơi 90% kim cương của thế giới đi qua – sẽ có nguy cơ mất hoạt động kinh doanh vào tay các trung tâm thương mại khác. Tuy nhiên, nước này sau đó đã thay đổi quan điểm của mình và đã đề xuất hệ thống theo dõi giao dịch kim cương.
Ông Studennikov cảnh báo: “Việc từ chối nhập khẩu kim cương của Nga chắc chắn sẽ khiến Bỉ không còn là trung tâm buôn bán đá quý toàn cầu và các quốc gia khác”. Theo nhà ngoại giao Nga, giới vận động hành lang kim cương của Bỉ đã công khai nói về nguy cơ mất hàng nghìn việc làm và 1/3 kim ngạch thương mại do lệnh cấm vận nói trên.
“Các ngân hàng quốc tế hiện đang xem xét lại chính sách tín dụng của họ và đóng cửa các chi nhánh, đồng thời xem hoạt động kinh doanh kim cương ở sàn giao dịch Antwerp là có vấn đề trong tương lai” - quan chức Nga lưu ý, đồng thời nói rằng các công ty liên quan đến buôn bán kim cương cũng có khả năng di dời từ Bỉ đến các quốc gia khác.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, ông Studennikov cho biết, Nga hiện đang nghiên cứu các biện pháp ứng phó với lệnh cấm kim cương của phương Tây, trong đó sẽ tập trung vào “lợi ích quốc gia của Nga và sự bền vững của toàn bộ ngành công nghiệp kim cương toàn cầu”.
Moscow coi lệnh cấm kim cương là bằng chứng cho thấy các nước phương Tây không còn nhiều sự lựa chọn trong việc gây sức ép đối với kinh tế Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đầu tuần này, có thông tin cho rằng “ông lớn” kim cương Nam Phi De Beers và Công ty kim cương Okavango của Botswana đã kêu gọi G7 xem xét lại giai đoạn tiếp theo của lệnh cấm kim cương của Nga, lo ngại rằng giá kim cương ở châu Phi có thể tăng vọt khi hệ thống theo dõi được áp dụng.
Ấn Độ, nơi chiếm 90% ngành công nghiệp cắt và đánh bóng kim cương trên thế giới, cũng được cho là đã đề nghị G7 trì hoãn lệnh cấm vào tháng 12/2023.
Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. Moscow chủ yếu chuyển hướng buôn bán kim cương sang Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Armenia và Belarus vào năm ngoái.
Các nhà phân tích nhận định, nếu Nga hướng phần lớn giao dịch kim cương của mình đến các địa điểm như sàn giao dịch kim cương Mumbai và sàn giao dịch kim cương Dubai, cũng như các sàn giao dịch nhỏ hơn, họ có thể sớm thay thế Antwerp trở thành trung tâm giao dịch kim cương của thế giới.