Nga có động thái đáng chú ý về hiệp ước đình chỉ thử hạt nhân

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thoả thuận được ký vào năm 1996 nhưng đến nay chưa có hiệu lực, do một số quốc gia, bao gồm Mỹ, không phê chuẩn.

Theo hãng tin RT, các thành phần trong Chính phủ Nga được cho là đang ủng hộ việc Moscow rút lại quyết định phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), một thỏa thuận quốc tế nhằm đình chỉ tất cả các vụ thử vũ khí hạt nhân. Văn kiện năm 1996 chưa từng có hiệu lực do một số quốc gia, bao gồm Mỹ, không phê chuẩn, RT cho biết. 

Giới chức Nga đang xem xét từ bỏ việc phê chuẩn hiệp ước CTBT. Ảnh: Sputnik
Giới chức Nga đang xem xét từ bỏ việc phê chuẩn hiệp ước CTBT. Ảnh: Sputnik

Theo nhật báo kinh doanh Kommersant, đưa tin về các cuộc thảo luận hôm 3/8 khẳng định, động thái đề xuất rút lại việc phê chuẩn sẽ mang tính tượng trưng, nhấn mạnh lập trường của Nga về CTBT cũng giống như lập trường của Mỹ. Hiện các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu.

Hiệp ước cũng được bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nhắc tới trong tuần qua. Nhà ngoại giao lưu ý rằng ngày 5/8 đánh dấu kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Một phần.

Thỏa thuận này cấm tất cả các vụ thử hạt nhân ngoại trừ những vụ được tiến hành dưới lòng đất. Người phát ngôn Zakharova khẳng định với báo giới rằng nỗ lực mở rộng lệnh cấm vào năm 1996 đã thất bại và đổ lỗi "những hành động phá hoại và vô trách nhiệm" của Mỹ.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ đã đưa việc từ chối phê chuẩn CTBT vào bản cập nhật tình hình hạt nhân của Mỹ. Người kế nhiệm ông, Joe Biden, chính thức đảo ngược chính sách đó trong bản Đánh giá năm 2022, qua đó thể hiện cam kết đưa hiệp ước vào hiệu lực. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Nhà Trắng khó có thể nhận được số phiếu cần thiết tại Quốc hội để thực hiện cam kết này.

Theo RT, Washington không phải là bên liên quan duy nhất cản trở CTBT. Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên không ký hiệp ước, trong khi Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Israel không phê chuẩn, giống như Mỹ.

Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân gần đây nhất vào năm 1992, trong khi Nga, trước đây là Liên Xô, cũng có động thái tương tự vào năm 1990. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại rằng Washington sẽ gia hạn các vụ thử trong bối cảnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và đã cảnh báo rằng Moscow sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trên thực tế để đáp trả.

“Không ai nên ảo tưởng một cách nguy hiểm rằng sự cân bằng chiến lược có thể không bị phá hủy,” nhà lãnh đạo Nga tuyên bố trong một bài phát biểu hồi tháng 2.