"Chúng tôi đã giảm đáng kể các khoản đầu tư vào tài sản của Mỹ, đặc biệt đối với đồng USD, được coi là tiền tệ thế giới, bởi nó có thể đem đến những rủi ro cho việc thanh khoản", Bộ trưởng Siluanov nói.
Tuy nhiên, theo ông Siluanov, Nga không có ý định hạn chế hay đóng cửa các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này, đồng thời cũng sẽ không cấm sử dụng đồng USD.
Theo Bộ trưởng Siluanov, Nga sẽ tiếp tục bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ như một biện pháp phản ứng với các lệnh trừng phạt mới của Washington nhằm vào Moscow , tuy nhiên không có ý định cấm các công ty Mỹ hoạt động ở Nga.
Bộ trưởng Siluanov cũng nhấn mạnh, lệnh trừng phạt của Mỹ tạo ra sự khó khăn nhưng không thể giết chết nền kinh tế Nga.
Kể từ đầu năm 2018, Nga đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ trong 2 tháng liên tiếp, trong tháng 4 là 47,5 tỷ USD và giảm 33,8 tỷ USD trong tháng 5. Kết quả đã giảm xuống còn 13,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007 và Nga bị loại khỏi danh sách 33 chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Siluanov đưa ra nhằm chống lại việc Mỹ công bố quyết định mới trừng phạt Nga.
Hôm 8/8 vừa qua, Washington tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga với lý do là Moscow đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại TP Salisbury, Anh hồi tháng 3.
Lệnh trừng phạt mới cấm việc xuất khẩu các thiết bị điện tử và các bộ phận hai công dụng, tới Nga...
Phản ứng với lệnh trừng phạt mới này, hôm 10/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo Mỹ về việc giới hạn hoạt động của các ngân hàng thương mại Nga sẽ là "tuyên bố về chiến tranh kinh tế" và dẫn đến những biện pháp đáp trả.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ lên án quyết định của Mỹ. Ông Dmitry Polyanskiy - Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp quốc cũng chỉ trích Mỹ vô cớ trừng phạt Nga.