Theo Reuters, chính quyền Ukraine cho biết lực lượng quân đội của Nga đã chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu sau một cuộc giao tranh dữ dội với quân phòng thủ Ukraine ngày 4/3.
Chính quyền khu vực địa phương đã xác nhận trong một bài đăng trên Facebook rằng lực lượng Nga đã chiếm được nhà máy và cho biết các nhân viên nhà máy đang theo dõi tình trạng của các tổ máy phát điện để đảm bảo chúng có thể hoạt động an toàn.
Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đây là nhà máy hạt nhân có quy mô lớn nhất ở Ukraine nói riêng và ở châu Âu nói chung. Nó chứa 6 trên tổng số 15 lò phản ứng năng lượng hạt nhân của Ukraine.
Lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiềm ẩn tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia đã lan truyền báo động khắp các thủ đô trên thế giới. Điều này đã được dấy lên trước khi các nhà chức trách xác định đám cháy này xảy ra tại một tòa nhà đào tạo thuộc cơ sở Zaporizhzhia NPP ở thành phố Energodar và hiện đã được dập tắt.
Sáng ngày 4/3, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko đã có cuộc điện đàm "khẩn cấp" với người đồng cấp Mỹ Jennifer Granholm về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi xảy ra vụ cháy.
Đám cháy tại cơ sở này đã bùng phát vào đầu giờ sáng nay, và sau đó đã được dập tắt mà không có thương vong, theo Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine.
"Họ không lo ngại về an ninh hạt nhân và bức xạ," ông Herman Galushchenko cho biết và nói thêm rằng Nga đã "thờ ơ với cuộc sống con người của người Ukraine, người châu Âu và chính công dân của họ”.
"Chúng tôi đã cố gắng truyền tải thông điệp này đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong vài ngày gần đây. Chúng tôi yêu cầu sự can thiệp của tổ chức quốc tế này và các quyết định cứng rắn liên quan đến cuộc chiến này. Nhưng sự can thiệp này vẫn chưa được đưa ra,” Galushchenko nhấn mạnh.
"Do đó, chúng tôi yêu cầu không chỉ đánh giá chuyên môn về những gì đang xảy ra mà còn phải can thiệp thực sự, cụ thể áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất từ NATO và các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân," ông nói thêm.
Trước đó, một nguồn cấp dữ liệu video từ nhà máy cho thấy pháo kích và khói bốc lên gần một tòa nhà năm tầng trong khuôn viên nhà máy. Một loạt đạn pháo bay tới, trước khi có tiếng phát nổ bên cạnh một bãi đậu xe và tạo ra khói cuồn cuộn khắp khu nhà.
Zelenskiy cho biết xe tăng Nga đã bắn vào các nhà máy phản ứng hạt nhân, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy chúng đã bị bắn trúng.
Thị trưởng của thị trấn Energodar - nơi cách Kyiv khoảng 550 km (342 dặm) về phía đông nam - cho biết giao tranh ác liệt và "pháo kích liên tục của đối phương" đã gây ra thương vong trong khu vực, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm tuần trước phát động chiến dịch quân sự đặc biệt này, hàng nghìn người được báo cáo là đã thiệt mạng hoặc bị thương và hơn 1 triệu người tị nạn đã chạy khỏi Ukraine.
Các báo cáo ban đầu về sự cố tại nhà máy điện đã khiến thị trường tài chính ở châu Á đi vào vòng xoáy, chứng khoán sụt giảm và giá dầu tăng mạnh hơn nữa.
Vasu Menon, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư của Ngân hàng OCBC cho biết: "Các thị trường đang lo lắng về sự cố hạt nhân. Rủi ro xảy ra do một tính toán sai lầm hoặc phản ứng thái quá và chiến tranh sẽ kéo dài".
Ngày 24/2, Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, phía bắc Kyiv, của Ukraine sau cuộc giao tranh.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy để cập nhật về tình hình tại nhà máy.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã cùng với Tổng thống Zelenskiy thúc giục Nga ngừng các hoạt động quân sự trong khu vực và cho phép lực lượng cứu hỏa và lực lượng ứng phó khẩn cấp tiếp cận địa điểm này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson Johnson nhấn mạnh các lực lượng Nga phải ngừng cuộc tấn công của họ ngay lập tức và đồng ý với Zelenskiy rằng lệnh ngừng bắn là rất quan trọng.