Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga “hái quả ngọt” từ chính sách Hướng Đông trong năm 2024

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2024 đã đánh dấu bước đột phá của Moscow trong chiến lược xoay trục châu Á sau 3 năm đối mặt với “bức màn sắt” của phương Tây.

Theo Tiến sĩ Kirill Babaev, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư của Đại học Tài chính và Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Nghiên cứu BRICS, Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước châu Á, khẳng định vai trò lãnh đạo trong cộng đồng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt “mạnh chưa từng có” từ các nước phương Tây.

Thành công rực rỡ trong năm Chủ tịch BRICS

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) tại Kazan vào tháng 10 là một sự kiện lịch sử với sự tham gia của 22 nguyên thủ quốc gia đến từ 36 nước. Đây không chỉ là minh chứng cho vai trò ngày càng tăng của Nga tại Nam bán cầu, mà còn là thông điệp mạnh mẽ gửi tới phương Tây rằng tất cả nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế đã thất bại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 ở Kazan. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 ở Kazan. Ảnh: Sputnik

BRICS, dưới sự thúc đẩy của Nga, đang trở thành lực lượng phi phương Tây hàng đầu. Thậm chí, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xem BRICS là đối thủ chiến lược khi đe dọa áp thuế 100% nếu khối này phát hành đồng tiền chung.

BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kể từ ngày 1/1/2024.

Thúc đẩy quan hệ song phương với Ấn Độ và ASEAN

Quan hệ Nga - Ấn Độ trong năm 2024 đã đạt tầm cao mới. Chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 7 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đưa Ấn Độ trở thành đối tác năng lượng lớn nhất của Nga tại Nam Á. Hợp tác năng lượng cũng là tiền đề để triển khai hành lang vận tải Bắc-Nam, một dự án kinh tế chiến lược của Moscow.

Nga cùng tạo đột phá trong việc tăng cường quan hệ năng động với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi đưa Indonesia, Thái Lan và Malaysia trở thành nước đối tác BRICS.

Bên cạnh đó, việc hình thành mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo của các quốc gia châu Á chủ chốt rõ ràng đang trở thành xu hướng trong chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt đã lựa chọn các yếu tố phù hợp với văn hóa phương Đông.

Ví dụ, các chuyên gia Uzbekistan cho biết, quan hệ tốt đẹp giữa giới chức nước này và Nga đã giúp dự án Rosatom, vốn bị phản đối bởi phe thân phương Tây trong chính quyền ở Tashkent, giành được sự ủng hộ.

Một minh chứng khác về tầm quan trọng của "yếu tố cá nhân" là sự xích lại gần với Malaysia khi Thủ tướng Anwar Ibrahim đã tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Nga vào tháng 9.

Đột phá trong quan hệ với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc

Moscow cũng đã thiết lập được mối liên hệ đáng tin cậy với tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Quan hệ Nga-Iran đạt cột mốc quan trọng với thỏa thuận hợp tác toàn diện sắp được ký kết, bao gồm cả hợp tác quốc phòng.

Đặc biệt, Triều Tiên đã trở thành đồng minh mới của Nga. Ngày 9/11/2024, Tổng thống Nga Putin đã ký thông qua thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước này với Triều Tiên. Thỏa thuận được hai nước ký kết hồi tháng 6 năm nay, trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên của Tổng thống Putin, nhằm thay thế cho Hiệp định về Hữu nghị, Láng giềng tốt và Hợp tác giữa hai nước được ký từ năm 2000.

Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục là đối tác hàng đầu của Moscow tại châu Á. Lượng khách Nga đến Trung Quốc trong năm 2024 tăng 2,5 lần, trong khi lượng khách Trung Quốc đến Nga tăng gấp 7 lần. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia không chỉ giới hạn trong chính trị và kinh tế mà còn được mở rộng sang lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu Nhân dân.

Theo ước tính của hãng tin Tass, Tổng thống Putin gần như đã tăng gấp đôi số chuyến công du nước ngoài trong năm 2024. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Nga, trong năm 2024, Tổng thống Putin đã đến thăm Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Uzbekistan, Mông Cổ, Azerbaijan và Turkmenistan. Ông cũng thực hiện 2 chuyến công du đến Kazakhstan và Belarus.

Năm 2024 không chỉ là một năm thành công, mà còn là bước đệm quan trọng để Nga định hình vai trò lãnh đạo trong trật tự thế giới mới, nơi châu Á là trung tâm.