Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga lên tiếng trước cảnh báo NATO đang chuẩn bị cho xung đột cường độ cao

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Newsweek, Điện Kremlin nói rằng không phải Nga đe dọa NATO, ngược lại chính châu Âu đang gây ra mối đe dọa đối với Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesksov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesksov. Ảnh: Tass

"Không phải Nga đe dọa châu Âu mà là châu Âu đang đe dọa Nga," người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesksov trả lời báo giới Nga hôm 23/11 khi được đề nghị bình luận về phát ngôn của Tổng thống Czech Petr Pavel.

Bình luận trên được ông Peskov đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Czech tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi Nga là mối đe dọa lớn nhất của châu Âu tại hội nghị Visegrad, một câu lạc bộ chính trị không chính thức gồm Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia ngày 23/11.

Khi được đề nghị bình luận về mối đe dọa tiềm tàng của Nga đối với NATO, Tổng thống Pavel cho biết Moscow sẽ mất nhiều năm để khôi phục khả năng chiến đấu, nhưng phương Tây vẫn cần thận trọng.

Ông nhấn mạnh: "Có rất nhiều yếu tố có thể khiến tình hình thay đổi, điều này thực sự phụ thuộc vào kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, tất cả quân đội của chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột cường độ cao tiềm tàng với Nga".

Nhà lãnh đạo Czech không nghĩ rằng những người đồng cấp của ông có quan điểm hoàn toàn trái ngược về cuộc xung đột tại Ukraine. "Tất cả chúng tôi đều có chung quan điểm rằng giúp Ukraine giành chiến thắng là vì lợi ích trong tương lai của chúng tôi" - ông Pavel nói và nhấn mạnh việc tiếp tục viện trợ cho Kiev là cần thiết.

Trong khi Czech và Ba Lan là hai trong số những quốc gia phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga, thì Hungary hiện vẫn từ chối viện trợ quân sự cho Kiev, không đồng thuận với các lệnh trừng phạt năng lượng Nga mà EU đề xuất khi cho rằng các biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho liên minh.

Tổng thống Hungary Katalin Novakova mới đây khẳng định, Budapest sẵn sàng hỗ trợ tối đa Ukraine để họ có thể bảo vệ người dân của mình. Tuy nhiên, bà Novakova nhấn mạnh vấn đề Ukraine gia nhập EU có liên quan trực tiếp đến khả năng đảm bảo quyền lợi của người Hungary thiểu số ở nước này.

Hungary là thành viên EU và NATO nhưng giữ quan điểm tương đối trung lập vì phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Chính quyền Budapest nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế nên tập trung vào việc ngăn căng thẳng hiện tại giữa Nga và NATO trở nên tồi tệ hơn.

Chính quyền Slovakia gần đây cũng thông báo dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi Thủ tướng Robert Fico đắc cử và thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ "không gửi một viên đạn nào" từ kho dự trữ đến Kiev. Mặc dù vậy, Slovakia vẫn cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh NATO liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine.

Trong khi vẫn duy trì các gói viện trợ quân sự cho Ukraine, NATO vẫn thận trọng trước nguy cơ leo thang xung đột và tránh đối đầu trực tiếp với Nga.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch tấn công NATO. Tuy nhiên, Moscow xem việc liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu tăng cường mở rộng về phía Đông là một mối đe dọa địa chính trị quan trọng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng mô tả liên minh này là “công cụ đối đầu” được thành lập để kiềm chế trước hết là Liên Xô và sau đó là Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo về khả năng Ukraine gia nhập NATO. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng đây là một trong những lý do chính dẫn đến cuộc xung đột nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.

Ukraine từ lâu theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO, nhưng đến nay vẫn chưa thể trở thành thành viên của liên minh này. Lãnh đạo NATO tuyên bố, Ukraine chưa thể vào liên minh chừng nào xung đột còn tiếp diễn. Trong khi đó, Moscow coi việc Kiev gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ".