Tại họp báo hôm 24/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin thấy "những con số vô nghĩa" trong cuộc thảo luận về giá trần đối với dầu từ Nga của châu Âu.
Ông lưu ý rằng Nga sẽ không cung cấp dầu khí cho các quốc gia tham gia chính sách giá trần.
"Châu Âu có những cuộc thảo luận rất khó hiểu về mức trần [giá] này. Họ đặt tên cho những con số khó giải thích," ông bình luận về khả năng đặt giá trần cho dầu của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng.
Người phát ngôn Peskov lưu ý rằng "tất cả điều này có thể được phân tích sâu." Theo ông, "vẫn khó hình dung" điều này sẽ gây ra tác động gì đối với thị trường năng lượng.
"Từ vị trí của Tổng thống [Liên bang Nga Vladimir] Putin, chúng tôi dự kiến sẽ ngừng cung cấp dầu và khí đốt cho những quốc gia giới thiệu và tham gia giới hạn giá dầu" ông Peskov nói.
Tuy nhiên sau khi xem các số liệu được thảo luận ở châu Âu, Moscow dự định phân tích tình hình "trước khi đưa ra quan điểm", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Trước đó có thông tin cho rằng các đại sứ của các nước EU chưa thống nhất được việc đưa ra mức giá trần cho dầu của Nga trong cuộc họp hôm 23/11, và sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán.
Theo các nguồn tin, các đại sứ đã thảo luận về khả năng đưa ra mức trần giá dầu của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Một số nước như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic cho rằng mức trần này là quá cao; trong khi các quốc gia nhận được một phần đáng kể thu nhập từ vận chuyển dầu trên biển - Hy Lạp, Síp, Malta nhận định mức giá này quá thấp và có nguy cơ làm suy yếu thương mại dầu mỏ thế giới.
G7 cũng dự định áp đặt giá trần đối với dầu của Nga, dựa trên thực tế là hầu hết các công ty bảo hiểm và vận chuyển dầu đều đặt tại các quốc gia là thành viên hoặc liên kết với G7, chẳng hạn như Hy Lạp, Síp, Malta và các thành viên nhỏ khác của EU.