Nga muốn thanh toán khí đốt bằng rúp, Đức ra "cảnh báo sớm"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phía Đức cho biết hiện nguồn cung trong vẫn được đảm bảo, tuy nhiên Berlin vẫn cần tính đến các phương án dự phòng.

Hôm 30/3, Đức tuyên bố "cảnh báo sớm" rằng nước này có khả năng rơi vào tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp khí đốt, đồng thời cho biết các biện pháp dự phòng đang được triển khai trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn hoặc ngừng lại.  

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ảnh: Reuters.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Moscow có kế hoạch đưa ra một cơ chế mới, theo đó các khoản thanh toán bằng khí đốt sẽ được chuyển sang đồng rúp, một động thái đã bị các nước G7, bao gồm cả Đức từ chối, nhưng gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. 

Theo kế hoạch khẩn cấp về khí đốt hiện có của Đức, cảnh báo sớm là giai đoạn đầu tiên trong ba giai đoạn, chưa bao hàm sự can thiệp của nhà nước.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết trong một tuyên bố rằng nguồn cung trong thời điểm hiện tại vẫn được đảm bảo. Nước này cũng đang theo dõi chặt chẽ dòng cung với các nhà điều hành thị trường.

"Tuy nhiên, chúng tôi phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho sự leo thang từ phía Nga," Bộ trưởng Habeck cho biết. 

Theo ông Habeck,  một đội ngũ bao gồm các thành viên Bộ, cơ quan quản lý mạng và nhà khai thác năng lượng của Đức, sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình "để nếu cần thiết - có thể thực hiện các biện pháp tiếp theo để tăng cường an ninh nguồn cung [khí đốt]".

Ông Klaus Mueller, Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur (BNetzA), cho biết mục đích của "cảnh báo sớm là để tránh suy giảm nguồn cung và kêu gọi người tiêu dùng và ngành công nghiệp chuẩn bị cho "mọi tình huống".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần